Hoạt động của hệ thống QTDND sau gần 20 năm đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như sau:
Thứ nhất: hệ thống QTDND là mô hình phù hợp trong giai đoạn cơ cấu lại hệ thống Hợp tác xã tín dụng. Vào năm 1993, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ( NHNN ) đã tiến hành nâng cấp và cơ cấu lại hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân ( QTDND ), một dạng của hợp tác xã tín dụng để cung cấp các dịch vụ tài chính ở các làng xã vùng nông thôn Việt Nam. Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương ( QTDNDTW ) cũng được thành lập với vai trò là tổ chức đứng đầu trong các QTDND cơ sở và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các QTDND cơ sở. Sự quản lý cẩn trọng của NHNN và sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của QTDNDTW đối với các QTDND cơ sở nhằm duy trì sự tin tưởng của người dân vào các Hợp tác xã tín dụng, tổ chức đã gánh chịu thất bại nặng nề và đỗ vỡ hàng loạt vào đầu những năm 1990 do hậu quả của lạm phát phi mã, sự mất giá nhanh của đồng tiền Việt Nam, sự thiếu vắng một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của mô hình này và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả của NHNN.
Sự phù hợp và thành công của mô hình này được thể hiện qua các con số đầy ấn tượng với 1050 QTDND cơ sở được thành lập đến năm 2010, hơn 1,6 triệu thành viên, bao phủ khoảng 10% các xã với tổng tài sản hơn 1,2 tỷ USD, cho vay khoảng 0,9 triệu hộ nông dân ( chiếm 4,23% tổng số hộ nông dân vay vốn trên thị trường tài chính nông thôn ), với tổng dư nợ gần 1 tỷ USD ( chiếm khoảng 6% tổng dư nợ trên thị trường tài chính nông thôn ) và là định chế tài chính đứng thứ ba ( sau Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Ngân hàng chính sách xã hội ) về cung cấp dịch vụ tài chính trên thị trường tài chính nông thôn.
Thứ hai: là mô hình theo luật hợp tác xã thành công nhất, thể hiện được tính đặc thù của định chế tài chính do hộ nông dân thành lập và quản lý vận hành.
Luật Hợp tác xã được ra đời đến nay đã gần 20 năm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các mô hình hợp tác, thế nhưng trên thực tế có rất ít các mô hình hợp tác thành công xét theo quy mô hoạt động, mạng lưới bao phủ, tính chặt chẽ của hệ thống, số lượng thành viên tham gia và tính hiệu quả của mô hình ( tự trang trải chi phí và có lãi ) như hệ thống QTDND. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thành công của mô hình này trong đó phải kể đến cách tiếp cận của mô hình do hộ nông dân thành lập, sở hữu và điều hành, hay nói cách khác: quản lý gắn chặt với quyền sở hữu và lợi ích đã làm giảm tình trạng thông tin không cân xứng, một trong những yếu tố gây nhiều rủi ro nhất đối với các định chế tài chính. Sự thành công này cũng còn phải kể đến sự trợ giúp của QTDNDTW – một tổ chức có thế mạnh về uy tín, tài chính và kinh nghiệm quản lý và sự giám sát chặt chẽ của các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương.
Thứ ba: cung cấp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính trên địa bàn nông thôn vốn rất khó khăn và đầy rủi ro và tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình và hộ nghèo, những người ít có cơ hội tiếp cận tới dịch vụ tài chính của các định chế tài chính lớn.
Khách hàng của hệ thống QTDND chủ yếu là các hộ gia đình nông thôn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ gia đình nghèo trung bình ở khu vực nông thôn. Thị trường tài chính nông thôn thường được nhìn nhận như là thị trường nhiều rủi ro, do vậy cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thường không hấp dẫn đối với các Ngân hàng thương mại, thế nhưng với cách tiếp cận mới tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,6% đã minh chứng hệ thống QTDND rất thành công khi cung cấp các dịch vụ tài chính ở thị trường đầy rủi ro này.
Thứ tư: tự đứng vững và có lãi trong thời kỳ đầy khó khăn trước khủng hoảng kinh tế - tài chính và biến đổi của kinh tế vĩ mô.
Cuộc khủng hoảng kinh thế và tại chính thế giới đã tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đặc biệt là hoạt động của các định chế tài chính ở Việt Nam. Một số ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, thanh khoản và theo đó là sự giảm sút lợi nhuận. Do sự linh hoạt trong hoạt động, chủ yếu dựa vào vốn góp và huy động tiết kiệm của các thành viên ( đến cuối năm 2010 có tới hơn 1,5 triệu người gửi tiết kiệm ), với sự trợ giúp vốn của QTDNDTW, các QTDND cơ sở đã vượt qua cơn bão táp khủng hoảng tài chính và đứng vững. Vốn vay từ bên ngoài chỉ chiếm khoảng 15% tổng số vốn hoạt động, trong đó chủ yếu là vay từ QTDNDTW và đến cuối năm 2010 hầu hết các QTDND hoạt động đều trang trải được chi phí và có lãi. Đặt trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, hệ thống tài chính hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, lãi suất cao, tiền Việt Nam bị mất giá… Việc giữ vững an toàn hệ thống, có lãi và tạo đà cho phát triển trong những năm sau đã khẳng định nỗ lực của toàn hệ thống và sự phù hợp của mô hình này.
Thứ năm: đạt được niềm tin của các tổ chức tài chính quốc tế lớn trên thế giới như Ngân hàng Thế giới ( WB ), Ngân hàng Phát triển Châu Á ( ADB ), Quỹ Phát triển nông nghiệp của Pháp ( AFD ).
Với phương châm phục vụ nông nghiệp nông thôn và tính hiệu quả của mô hình, hệ thống QTDND đã đạt được niềm tin của các định chế tài chính quốc tế vốn rất khắt khe khi xem xét giải ngân vốn vay của họ. Với vai trò là đầu mối của hệ thống, QTDNDTW đã huy động được vốn tài trợ của các định chế tài chính nổi tiếng quốc tế để cung cấp vốn cho các QTDND cơ sở. Tính đến cuối năm 2010, hệ thống đã nhận được hơn 100 triệu USD từ các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vốn này chủ yếu được giải ngân cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân và hộ nghèo ở nông thôn.
Hoạt động theo định hướng thị trường gắn với nguyên lý hợp tác cơ bản là tự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, mô hình hệ thống QTDND đã gặt hái được nhiều thành tựu và đang ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế trên thị trường tài chính nông thôn Việt Nam và mô hình này đã được chứng minh “ đáp ứng nhu cầu khách hàng nông thôn tốt nhất “ ( World Bank 2007 ).
Những thách thức và đề xuất thay đổi trong những năm tới.
Mặc dù đã vượt qua khủng hoảng nhưng kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, khủng hoảng nợ công đang lan rộng ở các nước Châu Âu, kinh tế Mỹ vẫn chưa hồi phục. Việt Nam mặc dù đã đạt được kết quả đầy ấn tượng về tăng trưởng, nhưng kinh tế vĩ mô vẫn bất ổn, lạm phát cao, đồng tiền Việt Nam mất giá so với USD, lãi suất bị đẩy lên quá cao… Những bất ổn về kinh tế vĩ mô đó sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của hệ thống tài chính Việt Nam.
Mặt khác thị trường tài chính nói chung và thị trường tại chính nông thôn Việt Nam nói riêng đang đứng trước áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh, Nghị định 41 về cho vay nông nghiệp nông thôn đã và đang khuyến khích các định chế tài chính đổ vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn – một thị trường đầy tiềm năng rộng lớn. Các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính khác đang tìm kiếm các giải pháp tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính và mở rộng thị trường.
Mô hình QTDND mặc dù đã đạt được một số thành công nhất định nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập cần được tháo gỡ như : vốn chủ sở hữu thấp và vì vậy hạn chế khả năng huy động vốn và khó có thể mở rộng quy mô hoạt động; các QTDND cơ sở hoạt động khá độc lập với nhau nên thiếu sự hợp tác và liên kết chặt chẽ, điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng chống đỡ khi gặp khó khăn về thanh khoản hoặc trước biến động mạnh của kinh tế vĩ mô. Chính sự rời rạc này cũng đã ảnh hưởng lớn tới khả năng ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý và phát triển các sản phẩm mới.
Vì vậy để tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường tài chính, đảm bảo khả năng chống đỡ khó khăn thanh khoản, rủi ro và phát triển trở thành định chế tài chính mạnh, cung cấp các sản phẩm tài chính đa dạng, phong phú, hệ thống QTDND cần phải thay đổi theo hướng sau đây:
Thứ nhất: về lâu dài hệ thống QTDND cần phải chuyển đổi thành mô hình ngân hàng hợp tác với sự liên kết chặt chẽ trong hệ thống và trở thành định chế tài chính lớn hoạt động với đầy đủ nghiệp vụ ngân hàng trên phạm vi toàn quốc.
Thứ hai: chuyển đổi ngay toàn hệ thống QTDND thành mô hình ngân hàng hợp tác là điều không thực tế, vì vậy trước mắt cần nghiên cứu chuyển đổi QTDNDTW thành ngân hàng hợp tác trước. Ngân hàng này sẽ hoạt động với đầy đủ nghiệp vụ như một ngân hàng thương mại khác và với hạ tầng kỹ thuật ( công nghệ thông tin ) hiện đại đủ khả năng quản lý hệ thống khi các QTDND cơ sở trở thành chi nhánh.
Thứ ba: sau khi mô hình chuyển đổi này hoạt động ổn định mới chuyển các QTDND cơ sở thành các chi nhánh của ngân hàng này. Các QTDND cơ sở ( cấp xã ) cần phải được sát nhập ở quy mô cấp huyện, cấp xã sẽ trở thành phòng giao dịch của chi nhánh cấp huyện.
Thành lập một tổ chức tài chính là công việc khó, thế nhưng chuyển đổi mô hình còn khó khăn hơn nhiều vì vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, thành viên, ảnh hưởng đến vấn đề quản lý nhà nước… Vì vậy cần phải làm cho các QTDND cơ sở hiểu rõ lợi ích của việc chuyển đổi mô hình và cần có sự thống nhất chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ trung ương đến địa phương.