Thông
tư số 28/2012/TT-NHNN (Thông tư 28) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định
về bảo lãnh ngân hàng có hiệu lực áp dụng từ ngày 02/12/2012. Sau 6 tháng áp
dụng, Thông tư 28 đã góp phần chấn chỉnh việc thực hiện
nghiệp vụ bảo lãnh tại các ngân hàng. Tuy nhiên, Thông tư 28 vẫn tồn tại nhiều
bất cập cần phải được sửa đổi mới đáp ứng được yêu cầu thực tế về nghiệp vụ bảo
lãnh. Trong bài viết này, người viết xin chia sẻ một số bất cập phát sinh
trong các giao dịch bảo lãnh và đề xuất sửa đổi, bổ
sung.
Vấn đề thứ nhất: Bên được bảo lãnh và bên
chỉ thị phát hành bảo lãnh
Ðiều
3 Thông tư 28 giải thích bên được bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh như
sau:
Bên được bảo lãnh là tổ chức (bao gồm tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân là người cư trú và tổ
chức là người không cư trú được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài bảo lãnh.
Hợp đồng cấp bảo lãnh là văn bản thỏa thuận
giữa bên bảo lãnh với bên được bảo lãnh và các bên có liên quan (nếu có) về
quyền, nghĩa vụ và các nội dung khác trong việc thực hiện bảo
lãnh.
Thông tư 28 không đề cập đến bên yêu cầu
phát hành bảo lãnh (bên chỉ thị). Tuy nhiên, có thể hiểu từ quy định trên
rằng trong giao dịch bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 28, bên được bảo lãnh
cũng đồng thời là bên chỉ thị.
Hầu hết các giao dịch bảo lãnh cho thấy bên
chỉ thị thường cũng chính là bên được bảo lãnh. Tuy nhiên, thực tế cũng cho
thấy có những giao dịch bảo lãnh mà bên chỉ thị không phải là bên được bảo
lãnh. Trường hợp này xảy ra khi bên chỉ thị là một công ty mẹ và bên được bảo
lãnh là một công ty phụ thuộc.
Ví dụ, Công ty Aaa là một công ty xây dựng
hạch toán phụ thuộc của Công ty A được Công ty A ủy quyền trực tiếp ký kết
và thực hiện các hợp đồng xây dựng với các khách hàng, nhưng Công ty Aaa
không được Công ty A ủy quyền vay vốn với các tổ chức tín dụng. Công ty Aaa
ký một hợp đồng xây dựng với Công ty B, theo đó Công ty Aaa phải cung cấp
một bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho Công ty B là bên nhận bảo
lãnh.
Công
ty Aaa không được ủy quyền vay vốn ngân hàng, do vậy, Công ty A chỉ thị ngân
hàng của mình phát hành bảo lãnh để bảo lãnh cho Công ty Aaa. Trong giao dịch
này, Công ty A đóng vai trò bên chỉ thị, còn Công ty Aaa là bên được bảo
lãnh.
Nếu theo Thông tư 28 thì giao dịch này
không thể thực hiện được bởi bên được bảo lãnh được hiểu cũng là bên chỉ thị
hay bên yêu cầu phát hành bảo lãnh.
Về
các bên tham gia giao dịch bảo lãnh, URDG 758 (Uniform Rules for Demand
Guarantee - Bộ quy tắc thống
nhất về bảo lãnh trả tiền ngay) của ICC quy định bên được bảo lãnh có thể
đồng thời là bên chỉ thị hoặc không phải là bên chỉ thị và ngược lại. Ðiều 2
URDG758 định nghĩa bên được bảo lãnh và bên chỉ thị như
sau:
Bên
được bảo lãnh (Applicant) nghĩa là bên
được chỉ định trong bảo lãnh là bên có nghĩa vụ theo mối quan hệ (hợp đồng)
cơ sở được bảo đảm bằng bảo lãnh. Bên được bảo lãnh có thể là hoặc không
phải là bên chỉ thị.
Bên
chỉ thị (Instructing Party), khác với bên bảo lãnh đối ứng, là bên chỉ thị
(cho bên bảo lãnh)
phát hành một bảo lãnh hoặc một bảo lãnh đối ứng và chịu trách nhiệm bồi hoàn
cho bên bảo lãnh hoặc bên bảo lãnh đối ứng (nếu là bảo lãnh đối ứng). Bên chỉ
thị có thể là hoặc không phải là bên được bảo
lãnh.
Nếu có thể, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem
xét sửa đổi Thông tư 28 bổ sung thêm “bên chỉ thị” để phù hợp với tập quán
quốc tế, cụ thể là URDG 758, cũng như thực tế phát sinh từ hoạt động bảo
lãnh ngân hàng trong nước.
Trở lại với tình huống ví dụ nêu trên, cách
giải quyết duy nhất trong khi chờ đợi Thông tư 28 sửa đổi là Công ty A có thể
ủy quyền và bảo lãnh cho Công ty Aaa vay vốn ngân hàng. Trong trường hợp
này, ngân hàng có thể xem xét cấp tín dụng bảo lãnh cho Công ty
Aaa.
Vấn đề thứ hai: Ngôn ngữ
Về vấn đề ngôn ngữ sử dụng trong các văn
bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh, Ðiều 7 Thông tư số 28 quy định:
1.
Các văn bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh được lập bằng tiếng Việt;
2. Trong trường hợp cần sử dụng tiếng nước
ngoài, các bên liên quan được thỏa thuận sử dụng thêm tiếng nước ngoài trong
các văn bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh. Trường hợp có sự khác nhau về
cách hiểu giữa văn bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì văn bản tiếng Việt
là căn cứ pháp lý.
Quy định như trên chỉ phù hợp khi các bên
tham gia giao dịch bảo lãnh là các tổ chức hoặc cá nhân và cơ quan giải quyết
tranh chấp liên quan đến bảo lãnh tồn tại và và hoạt động theo luật pháp Việt
Nam. Khi một bên tham gia giao dịch bảo lãnh là tổ chức hoặc cá nhân ở nước
ngoài hoặc khi luật điều chỉnh và/hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp là luật
nước ngoài và tòa án nước ngoài, thì việc yêu cầu các văn bản liên quan đến
giao dịch bảo lãnh được lập bằng tiếng Việt hay bằng song ngữ với bản tiếng
Việt được sử dụng làm căn cứ pháp lý xem ra khó được chấp nhận.
Giao dịch bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối
ứng của ngân hàng nước ngoài là một ví dụ điển hình cho thấy sự bất cập của
quy định về ngôn ngữ của Thông tư 28. Trong giao dịch này, ngân hàng nước
ngoài không thể và không chấp nhận phát hành bảo lãnh đối ứng (bao gồm cả
nội dung bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng) bằng tiếng Việt hay bằng song
ngữ.
Tương tự, ngân hàng nước ngoài, vì nhiều lý
do khác nhau, cũng sẽ không chấp nhận bảo lãnh đối ứng bằng tiếng Việt do tổ
chức tín dụng trong nước phát hành, cũng như sẽ không chấp nhận phát hành
bảo lãnh bằng tiếng Việt hay bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài
theo yêu cầu của tổ chức tín dụng trong nước.
Ðối với giao dịch bảo lãnh mà bên nhận bảo
lãnh là tổ chức hay cá nhân ở nước ngoài, việc phát hành bảo lãnh ngân hàng
bằng tiếng Việt hay bằng song ngữ với tiếng Việt được sử dụng làm căn cứ
pháp lý chắc chắn cũng sẽ không được bên nhận bảo lãnh chấp
nhận.
Thực tế cho thấy các giao dịch mua bán
ngoại thương thanh toán bằng hình thức chuyển tiền bằng điện, nhờ thu chứng
từ hay thư tín dụng đều sử dụng ngôn ngữ tiếng nước ngoài nhưng khi có tranh
chấp xảy ra và tranh chấp nếu được đưa ra tòa án Việt Nam xét xử, tòa án
Việt Nam vẫn thụ lý xét xử, chứ không từ chối vì lý do ngôn ngữ sử dụng trong
các văn bản giao dịch là bằng tiếng nước ngoài. Vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng
cần xem xét sửa đổi quy định về ngôn ngữ sử dụng trong các văn bản liên quan
đến giao dịch bảo lãnh để phù hợp với thực tế cũng như tập quán quốc
tế.
Theo ý kiến của người viết, Thông tư 28 cần
sửa đổi quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong các giao dịch bảo lãnh. Theo
đó, các văn bản liên quan đến giao dịch bảo lãnh mà các bên tham gia giao
dịch gồm các tổ chức và cá nhân hoạt động theo luật pháp Việt Nam được lập
bằng tiếng Việt hoặc bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài nếu cần
thiết; trường hợp các văn bản được lập bằng song ngữ có sự khác nhau về cách
hiểu giữa văn bản tiếng Việt và tiếng nước ngoài thì văn bản tiếng Việt là
căn cứ pháp lý. Ðối với giao dịch bảo lãnh có yếu tố nước ngoài, bao gồm
giao dịch bảo lãnh đối ứng hoặc giao dịch bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh là
tổ chức hoặc người nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong các văn bản liên quan
có thể bằng một thứ tiếng Anh hoặc bằng một tiếng nước ngoài phổ biến được
các bên chấp nhận.
Vấn đề thứ ba: Hợp đồng cấp bảo lãnh; hồ sơ
đề nghị bảo lãnh
Ðiều
13 Thông tư 28 quy định để thực hiện bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh
và các bên liên quan (nếu có) phải thỏa thuận ký kết hợp đồng cấp bảo lãnh.
Theo đó, hợp đồng cấp bảo lãnh bao
gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Các quy định pháp luật áp
dụng;
b) Thông tin về các bên trong quan hệ bảo
lãnh:
c) Số tiền, đồng tiền bảo
lãnh;
d) Mục đích bảo
lãnh;
đ) Hình thức phát hành cam kết bảo
lãnh;
e) Ðiều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh;
g)
Biện
pháp bảo đảm cho nghĩa vụ của bên được bảo lãnh, giá trị tài sản bảo đảm
(nếu có);
h) Quyền và nghĩa vụ của các
bên;
i)
Phí bảo lãnh;
k)
Ðiều khoản miễn, giảm số tiền bảo lãnh (nếu có);
l)
Chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên;
m)
Cam kết về nhận
nợ trả thay, lãi suất nhận nợ bắt buộc và hoàn trả nợ (trong trường hợp bên bảo
lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh);
n) Giải quyết tranh chấp phát
sinh;
o) Số hiệu, ngày ký hợp đồng, hiệu lực của
hợp đồng;
p) Các nội dung
khác.
Thông
tư 28 cũng quy định cụ
thể (từ Ðiều 25 - Ðiều 30) quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng cấp
bảo lãnh.
Một hợp đồng cấp bảo lãnh nếu quy định đầy
đủ các nội dung trên có thể dài ít nhất 4 trang hoặc nhiều hơn với font chữ
Times New Roman cỡ 10.
Quy
định các bên tham gia giao dịch bảo lãnh phải thỏa
thuận ký kết hợp đồng cấp bảo lãnh với đầy đủ các nội dung trên đây chỉ phù
hợp với các giao dịch bảo lãnh mà các bên tham gia giao dịch bảo lãnh là tổ
chức hoặc cá nhân trong nước.
Ðối
với giao dịch phát hành bảo lãnh
trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của ngân hàng nước ngoài hoặc của tổ chức tín dụng
trong nước, bên bảo lãnh đối ứng thường chỉ phát hành thư bảo lãnh đối ứng
đơn giản bằng điện Swift MT 760 gồm (i) nội dung bảo lãnh mà bên bảo lãnh được
chỉ thị phát hành; và (ii) cam kết hoàn trả của bên bảo lãnh đối ứng. Trong
trường hợp này, bảo lãnh đối ứng phát hành bằng điện Swift có thể được xem là
thỏa thuận hợp đồng cấp bảo lãnh giữa bên bảo lãnh đối ứng và bên bảo lãnh,
thường không bao gồm quá nhiều nội dung chi tiết như theo quy định tại Thông
tư 28 và tất nhiên cũng không được ký tên và đóng dấu bởi các bên liên quan.
Vì
vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung quy định liên quan đến
hợp đồng cấp bảo lãnh trong trường hợp tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối
ứng được phát hành bằng điện Swift. Theo đó, cho phép hợp đồng cấp bảo lãnh
có thể được thể hiện bằng hình thức điện Swift thích hợp, ví dụ, MT 760.
Vấn đề thứ tư: Ðiều kiện đối với bên được
bảo lãnh
Ðiều
10 Thông tư 28 quy
định về điều kiện đối với bên được bảo lãnh như
sau:
1. Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng
lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ bảo lãnh và giao dịch phát sinh
nghĩa vụ bảo lãnh là hợp pháp.
3.
Có khả năng thực hiện đúng và
đầy đủ nghĩa vụ cam kết với các bên liên quan trong quan hệ bảo
lãnh.
Quy
định trên chỉ có thể áp dụng khi bên được bảo lãnh là tổ chức hoặc cá nhân
có quan hệ tín dụng trực tiếp với tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh. Trường
hợp bảo lãnh được phát hành
trên cơ sở bảo lãnh đối ứng của tổ chức tín dụng khác trong nước hay nước
ngoài, tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh chỉ xem xét điều kiện đối với bên
phát hành bảo lãnh đối ứng, chứ không trực tiếp thẩm định bên được bảo lãnh
để xác định bên được bảo lãnh có đáp ứng được các điều kiện được quy định tại
Ðiều 10 hay không. Trong trường hợp này, trách nhiệm thẩm định bên được bảo
lãnh thuộc về bên phát hành bảo lãnh đối ứng.
Ðiều
10 trên đây cần được bổ sung thêm để làm rõ nội dung
này.
Vấn
đề thứ năm:
Thẩm quyền ký hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo
lãnh
Về
thẩm quyền ký kết hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh, Ðiều 15 quy định
như sau:
1. Hợp đồng cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh
của bên bảo lãnh phải được ký bởi:
a) Người đại diện theo pháp
luật;
b) Người quản lý
rủi ro hoạt động bảo lãnh;
c) Người thẩm định khoản bảo
lãnh.
2.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định việc ủy quyền ký hợp
đồng cấp bảo lãnh, các cam kết bảo lãnh đối với người đại diện theo pháp
luật, người quản lý rủi
ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh cho các chức danh trong
hệ thống của mình bằng văn bản hoặc ban hành văn bản quy định thẩm quyền ký các
văn bản bảo lãnh phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp
luật.
Có
lẽ quy định chặt chẽ
nêu trên phát sinh từ sau những tranh chấp liên quan đến các bảo lãnh ngân
hàng được cho là ký vượt thẩm quyền của người ký. Người viết cho rằng quy
định trên chỉ nên áp dụng đối với hợp đồng cấp bảo lãnh, chứ không nên áp
dụng đối với cam kết bảo lãnh.
Cam
kết bảo lãnh được ký bởi một người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy
quyền bảo đảm đầy đủ tính pháp lý. Quy định cam kết bảo lãnh phải được ký bởi
3 người là khiên cưỡng, mang tính chữa cháy sau những vụ tranh chấp liên quan
đến bảo lãnh giả
mạo, bảo lãnh được cho là ký vượt thẩm quyền của người ký.
Liên
quan đến thẩm quyền ký bảo lãnh, nhiều luật sư cho rằng ngân hàng phát hành
phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa bảo lãnh nếu bảo lãnh được đóng dấu và ký
tên bởi người đại diện theo
pháp luật hoặc người được ủy quyền. Quy định hạn mức ký bảo lãnh, thẩm quyền ký
bảo lãnh là quy định nội bộ của ngân hàng, khách hàng không thể và không có
trách nhiệm phải kiểm tra người ký bảo lãnh ngân hàng có đủ thẩm quyền hay
không.
Một
ví dụ rõ ràng nhất
cho thấy quy định bảo lãnh phải được ký bởi 3 người theo quy định là không cần
thiết, đó là trường hợp phát hành bảo lãnh bằng điện Swift. Bảo lãnh phát
hành bằng điện Swift không có bất kỳ chữ ký nào. Khi nhận được bảo lãnh ngân
hàng bằng điện Swift, ngân hàng kiểm tra tính xác thực của bảo lãnh và thông
báo cho bên nhận bảo lãnh. Rõ ràng ngân hàng phát hành bảo lãnh không thể
viện lý do rằng bảo lãnh đó là giả mạo hay được duyệt bởi người không có đủ
thẩm quyền để từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nếu chứng từ xuất trình
phù hợp. Trong trường hợp này, việc ký duyệt vượt thẩm quyền trở thành câu
chuyện nội bộ của ngân hàng phát hành bảo lãnh.
Theo
tinh thần trình bày ở trên, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi nội
dung liên quan đến thẩm quyền
ký kết cam kết bảo lãnh tại Ðiều 15. Theo đó, cam kết bảo lãnh có giá trị
pháp lý khi được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy
quyền (mà không cần phải có thêm chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động
bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh).
Vấn đề thứ sáu: Thời hạn kiểm tra chứng từ
và thông báo từ chối
Ðiều
20 (Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh) quy định:
...
Chậm nhất sau 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày bên nhận bảo lãnh xuất trình
đầy đủ bộ hồ sơ đề nghị thực hiện nghĩa vụ bảo
lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng
nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Trường hợp từ chối thực hiện nghĩa
vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh, bên xác nhận bảo lãnh phải trả lời bằng văn bản nêu
rõ lý do từ chối.
Quy
định trên có phần khác với URDG 758. URDG 758 chốt thời hạn kiểm tra chứng
từ, trong khi Thông tư 28 chốt thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Về việc
thông báo từ chối, có thể hiểu ngầm rằng thông báo từ chối phải được thực
hiện trong vòng 5 ngày làm
việc kể từ ngày bên nhận bảo lãnh xuất trình đầy đủ bộ hồ sơ đề nghị thực
hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, điều này không được Thông tư 28 quy định
rõ.
URDG
758 quy định nếu bên bảo lãnh từ chối yêu cầu đòi tiền thì phải gửi một thông
báo duy nhất nêu rõ:
(i) bên bảo lãnh từ chối yêu cầu đòi tiền;
và
(ii) từng bất hợp lệ mà căn cứ vào đó bên
bảo lãnh từ chối.
Thông
báo từ chối phải được gửi đi không được chậm trễ nhưng không được trễ hơn kết
thúc ngày làm việc thứ năm kể từ ngày xuất trình. Nếu bên
bảo lãnh không gửi thông báo như vậy trong thời hạn quy định thì sẽ mất quyền
tuyên bố rằng yêu cầu đòi tiền và các chứng từ liên quan không cấu thành một sự
xuất trình hợp lệ.
Nên
chăng, NHNN xem xét lại vấn đề này.
KẾT LUẬN
Thông
tư 28 về nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng đã có nhiều
thay đổi để ngày một phù hợp hơn với tập quán quốc tế về bảo lãnh ngân hàng.
Tuy nhiên, qua thực tế 6 tháng áp dụng, người viết bài này là người thực hành
nghiệp vụ bảo lãnh tại ngân hàng nhận thấy rằng quy định của Thông tư 28 vẫn
còn một số bất cập như đã trình bày cần phải được tiếp tục sửa đổi, bổ sung để
hoàn thiện
hơn.
Nguyễn Hữu Đức
Vietcombank
Đà Nẵng