Hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, có hiệu quả, đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương
Điều chỉnh các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo đúng quỹ đạo, từ việc chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật, hỗ trợ hoạt động, quan trọng hơn là tham gia vào chính các đường hướng phát triển của quỹ, không chỉ là trách nhiệm của Chi nhánh NHNN tỉnh, mà còn có vai trò quan trọng của chính quyền địa phương và sự phối hợp của các sở, ban, ngành…
Đó chính là những nội dung được Hội nghị tăng cường quản lý QTDND trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phổ biến, quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường quản lý đối với hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh, vừa mới được tổ chức.
Trụ sở làm việc của QTDND Nhã Nam ngày càng khang trang
Sáng – tối bức tranh QTDND
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà nhận định, trong những năm qua, các QTDND trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động ổn định, có hiệu quả, đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương; tạo công ăn việc làm cho người lao động; tạo nguồn vốn phục vụ thành viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Con số báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang càng làm rõ thêm về vai trò của hệ thống QTDND trên địa bàn.
Cùng với việc thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng và đề án riêng cho từng quỹ, đến nay, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và bộ máy điều hành của các quỹ đã đáp ứng đủ số lượng, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ và nghị quyết đại hội thành viên. Các QTDND có thu nhập bù đắp được chi phí và có tích lũy; nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp; công tác phát triển thành viên tiếp tục được quan tâm. Các QTDND phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn, cho vay trên địa bàn hoạt động; uy tín của QTDND tiếp tục được củng cố, được lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ và người dân tin tưởng.
Hiện nay, hệ thống QTDND của tỉnh có 19 quỹ đang hoạt động bình thường, với 12 quỹ hoạt động trên địa bàn liên xã, 7 quỹ hoạt động trên địa bàn một xã.
Tổng nguồn vốn hoạt động của toàn hệ thống QTDND trên địa bàn đến cuối năm 2018 là 1.978,923 tỷ đồng, bình quân 99 tỷ đồng/1 quỹ, tăng 211,250 tỷ đồng (+12%) so với cuối năm 2017 (tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm 2014-2018 là 19,7%). Trong đó, vốn điều lệ là 76,945 tỷ đồng, tăng 6,413 tỷ đồng (+9,1%); vốn điều lệ bình quân của một QTDND là 3,847 tỷ đồng. Vốn huy động là 1.636,595 tỷ đồng, bình quân 82 tỷ đồng/1 quỹ, tăng 128,160 tỷ đồng (+8,5%) so với cuối năm 2017 (tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây là 23,9%). Vay Ngân hàng Hợp tác xã là 185,800 tỷ đồng, tăng 69,475 tỷ đồng…
Nhìn chung, các QTDND trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và tăng trưởng tốt, bảo đảm an toàn. Với tổng số 21 nghìn thành viên, về cơ bản, hoạt động của các QTDND trong những năm qua đã góp phần hỗ trợ cho các thành viên trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống của người dân, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi của tín dụng đen trên địa bàn, nhất là khu vực nông thôn.
Tính đến cuối năm 2018, dư nợ cho vay của toàn hệ thống QTDND trên địa bàn là 1.632,048 tỷ đồng, bình quân 82 tỷ đồng/1 quỹ, tăng 277,439 tỷ đồng (+20,5%) so với cuối năm 2017 (tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm gần đây là 18,7%). Tổng nợ xấu của toàn hệ thống QTDND trên địa bàn chiếm tỷ lệ 1,17% tổng dư nợ cho vay. Năm 2018, các QTDND hoạt động kinh doanh đều có lãi. Các QTDND phát huy được ưu thế trong công tác huy động vốn và cho vay trên địa bàn hoạt động; uy tín của QTDND tiếp tục được củng cố, được lãnh đạo chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ và người dân tin tưởng.
Tuy nhiên, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang, cùng những nhà quản lý và chính các QTDND cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong thời gian qua, hoạt động của một số QTDND trên địa bàn còn hạn chế, yếu kém, thậm chí có QTDND phải giải thể bắt buộc hoặc đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, một số QTDND có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo lợi nhuận; tại một số quỹ, trình độ quản lý, điều hành và kiểm soát nội bộ còn hạn chế. Có tình trạng gia đình chủ nghĩa trong hoạt động, nhân sự của quỹ có quan hệ họ hàng, ruột thịt với nhau; hoặc hoạt động còn mang tính cá nhân, chịu ảnh hưởng chi phối của một hoặc một nhóm người làm việc trong quỹ. Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ trực tiếp quản lý và điều hành có biểu hiện suy thoái, xuống cấp… có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn.
Hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, có hiệu quả, đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương
Gia cố thêm đai an toàn cho hệ thống
Thời gian qua, ngoài việc quản lý của NHNN chi nhánh, thì thực tế là chính quyền địa phương một số xã, phường, thị trấn còn chưa quan tâm nhiều đến hoạt động của QTDND; cơ chế phối hợp giữa NHNN tỉnh với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để quản lý QTDND chưa chặt chẽ, thường xuyên. Chính vì vậy, từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, NHNN chi nhánh cho đến lãnh đạo các xã và QTDND đều nhận định: việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh được xem như gia cố thêm một “chiếc đai” an toàn, hỗ trợ hệ thống QTDND vượt lên những khó khăn từ nội tại cũng như những vấn đề đang là rào cản sự phát triển của hệ thống này.
Trong vai trò là cánh tay nối dài của Thống đốc NHNN trên địa bàn, thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN chi nhánh đã chủ động rà soát, đánh giá, phân loại các QTDND trên địa bàn để tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý các QTDND yếu kém, cán bộ QTDND vi phạm pháp luật và các vấn đề nảy sinh trong quá trình củng cố, chấn chỉnh các QTDND trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, công tác quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ, kịp thời phát hiện và điều chỉnh phương án đã được phê duyệt phù hợp với thực tế triển khai.
Trong thời gian tới, công tác thanh tra, giám sát đối với các QTDND sẽ được tăng cường cả về tần suất, số lượng, kết hợp với kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện kịp thời các sai sót, vi phạm trong hoạt động, yêu cầu các đơn vị khắc phục, chỉnh sửa.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ cũng được UBND tỉnh đặt nhiệm vụ cho Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh hỗ trợ hệ thống QTDND trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình hoạt động; xử lý nợ xấu, thu hồi, thu giữ tài sản bảo đảm của các QTDND; phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ.
Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tích cực, chủ động phối hợp với Chi nhánh NHNN tăng cường quản lý hoạt động của QTDND; quan tâm, hỗ trợ cơ sở vật chất, trụ sở làm việc cho QTDND. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: UBND huyện, thành phố cần chỉ đạo các ban, ngành nơi có QTDND hoạt động liên xã, phường, thị trấn giám sát, giúp đỡ các QTDND thực hiện thành công Nghị quyết số 42/2017/QH14, cũng như Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và triển khai thực hiện các giải pháp nêu trong Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 bảo đảm an toàn, hiệu quả của các QTDND trên địa bàn.
Đặc biệt đối với UBND xã, phường, thị trấn có QTDND hoạt động, cần phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh tăng cường quản lý hoạt động của các QTDND trên địa bàn như: xem xét việc thành lập QTDND; thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính; tham gia ý kiến về danh sách nhân sự dự kiến bầu, bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc QTDND…; thường xuyên trao đổi thông tin về tổ chức và hoạt động của các QTDND, về đạo đức hoặc nhân thân của các thành viên, cán bộ làm việc tại QTDND trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn ngừa những sai phạm, tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tham gia xem xét việc bố trí cán bộ quản trị, kiểm soát, điều hành của QTDND, tạo điều kiện cho cán bộ QTDND làm việc ổn định, hiệu quả.
Những đường hướng phối hợp giữa NHNN tỉnh và các cấp, các ngành trong việc quản lý hệ thống QTDND đã được vạch rõ, song Giám đốc NHNN Chi nhánh Bắc Giang Nguyễn Văn Oánh kỳ vọng, các cơ quan, sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương sẽ đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ các QTDND hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm lành mạnh, an toàn và hiệu quả, góp phần tích cực trong việc xây dựng một thành tố mới cho sự phát triển kinh tế quốc gia - kinh tế tập thể.
Thời Báo Ngân Hàng13.11.2024
30.10.2024