Tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã đưa ra 5 giải pháp trọng tâm...
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị
Thứ nhất, NHNN sửa đổi Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động, tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động…;
Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân.
Song song với đó, sửa đổi Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng để quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các NHTM, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân; Nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm...
Thứ hai,nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Quyết định 28 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (kết thúc thực hiện năm 2020) theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, trong đó có cho vay tiêu dùng.
Thứ ba, nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các TCTD, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thứ tư, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành Ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra.
Thứ năm, các TCTD cần tiếp tục quyết liệt triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 và hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 10 và Thông tư 25 để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi vừa được Chính phủ sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.
Đối với các ngân hàng, Agribank cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng để đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cấp bách của người dân. NHCSXH phải phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN trong quá trình xây dựng nghị định của Chính phủ về cho vay tiêu dùng đối với các hộ mới thoát nghèo.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng sẽ cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen.
Trong đó, NHNN khuyến khích NHTM phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác. NHNN cũng sẽ tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, NHNN đề nghị đối với Bộ Công an, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Bộ Công an nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn để hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen…
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố, thời gian tới cần quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở phối hợp với ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; hỗ trợ ngành Ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân, cũng như quá trình theo dõi, thu hồi nợ vay nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức.
Các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ… tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách của ngành Ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024