28.10.2009 16:20

“Chưa vội kết luận những tiêu cực trong hỗ trợ lãi suất”

 
"Thị trường chứng khoán cũng là một thị trường, nó không có tội gì cả. Chứ cứ nói ngân hàng tác động nên nó lên thế này thế nọ thì không có".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời về những thông tin liên quan đến việc phát hiện có sai phạm trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất thời gian qua.

Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội chiều nay (27/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, hồ sơ về trường hợp có sai phạm trong hoạt động cho vay tại tỉnh Đồng Tháp đang được gửi về; Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét cụ thể có liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất hay không, vi phạm như thế nào và sẽ xử lý, công khai cụ thể.

“Theo thông tin báo chí phản ánh, trường hợp trên là do hai tay “cò” bên ngoài. Chúng tôi sẽ xem xét hồ sơ, công khai và xử lý các vi phạm. Thái độ của tôi là rất kiên quyết”, Thống đốc nói.

Thế còn những trường hợp cho vay trùng đối tượng, sai thủ tục hoặc có tiêu cực thì xử lý thế nào, thưa Thống đốc?

Qua kiểm tra của ngân hàng thì chúng tôi phát hiện có 3.900 món thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục, số tiền lên tới 8.300 tỷ đồng. Nhưng họ khắc phục ngay, số tiền có mất đi đâu.

Về tiêu cực thì sáng nay mới phát hiện 1 trường hợp. Trường hợp này chúng ta cũng chưa vội kết luận. Và chúng ta không nên kết luận chính sách này làm nảy sinh các tiêu cực.

Tôi cũng chỉ đạo và khẳng định rằng chính sách gì có ưu đãi thì nó sẽ tác động đến đạo đức. Tôi đã nhắc các anh em trong ngành ngay từ đầu không được vi phạm đạo đức, mà nếu vi phạm, bị pháp luật xử lý là sự nhục nhã của bản thân người đó và gia đình họ. Tôi đã nói đến mức độ đó. Vì người ta đang tập trung giải cứu nền kinh tế, giải cứu đất nước mà anh lại đi làm như vậy. Tất nhiên xã hội cũng có một bộ phận rất nhỏ cần phát hiện và xử lý. Tôi thấy buồn vì điều đó.

Việc phát hiện các sai phạm thì các ngân hàng chủ động kiểm tra, từ 10/6 đã kiểm tra đồng loạt. Tôi cũng đã triển khai một đợt kiểm tra mạnh mẽ, nhưng mình đâu có thể kiểm tra hết ngay toàn bộ, chỉ kiểm tra một số chi nhánh của các ngân hàng. Nếu kiểm tra ngay được hết thì bộ máy của mình chưa đáp ứng được.

Theo Thống đốc, nếu đến lúc này mới phát hiện và xử lý thì có quá muộn không?

Không phải là muộn. Ta mới triển khai từ tháng 2, đến 10/6 bắt đầu kiểm tra. Nếu tháng 2 kiểm tra ngay thì không ai dám làm cả. Khi kiểm tra tôi cũng suy nghĩ mãi, vì phải nghĩ hai chiều, tôi tính từ hồi tháng 5 nhưng đến 10/6 mới làm. Cán bộ ngân hàng tôn trọng pháp luật, họ phải thận trọng, có làm chậm hơn vì đó là tiền Chính phủ.

Sau khi triển khai và kiểm tra, Thống đốc đánh giá thế nào về chính sách này?

Đây là một gói tổng các biện pháp kích thích nền kinh tế chứ không riêng bộ ngành nào cả. Chính sách hỗ trợ lãi suất là quyết định và chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế. So với các nước mà tôi biết thì chúng ta tập trung hài hòa giữa mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội.

Tôi cũng vừa mới làm việc với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), họ đánh giá cao hiệu quả của nó. Đó là một chính sách chưa có trong tiền lệ. Có nhiều nhà khoa học cũng xem đó là một sáng tạo của Việt Nam. Tại kỳ họp của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tôi làm chủ tọa, tôi cũng nhận thấy họ khẳng định Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực về ngăn chặn suy giảm kinh tế. Cái đó họ khẳng định.

Tuy nhiên mặt trái có những vấn đề cần bàn. Tôi lấy ví dụ, 20% doanh nghiệp được vay vốn, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận là cuối năm rồi có 390 nghìn doanh nghiệp thì bao nhiêu doanh nghiệp ngừng hoạt động? Chúng ta chưa công bố. Thứ hai, doanh nghiệp người ta có vốn thì người ta đầu cần vay ngân hàng. Đâu phải doanh nghiệp nào cũng cần vay vốn. Thứ ba là trong Quyết định 131, cái gốc hình thành chính sách này, thì có 13 nhóm đối tượng mình đâu có hỗ trợ, chỉ tập trung hỗ trợ những đối tượng sản xuất, xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động thôi.

Hay là trong Quyết định 497, Điểm 2 của Điều 2 quy định rất rõ là đối tượng đã trùng với Quyết định 131 và Quyết định 443 thì không được hỗ trợ nữa. Vậy chúng ta phải hiểu đúng chính sách.

Thống đốc có nói rằng việc triển khai chính sách đó chưa có trong tiền lệ. Vậy sau 8 tháng thực hiện thì đâu là những điểm cần rút ra?

Kinh nghiệm thì đúng ra là cho vay theo lãi suất thông thường, mình chỉ nhờ các tổ chức tín dụng chuyển 4% đó đến doanh nghiệp thôi. Chỉ có một điều là anh em làm việc rất cật lực. Thay vì một chi nhánh 50 cán bộ, trước đây không làm chính sách này thì nay làm họ phải duy trì 50 cán bộ, vì nó là chính sách nhất thời, mang tính tình thế chứ không phải mãi mãi, thành ra họ làm ngày làm đêm. Tôi đi kiểm tra các tỉnh, đến 6h30 chiều mà nhiều chi nhánh vẫn đang phải làm việc. Không có chính sách này thì có lẽ hơn 5h họ về thôi.

Nền tảng thì không có gì thay đổi, cho vay theo cơ chế tín dụng thông thường, chỉ kèm theo cái đơn và xác định đúng đối tượng được hỗ trợ, cuối tháng khi thu lãi thì trừ cho họ 4%.

Một số ý kiến băn khoăn rằng thị trường chứng khoán ấm lên cùng với quá trình giải ngân hỗ trợ lãi suất, có nghi ngờ về mối liên hệ nào đó. Thống đốc có ý kiến gì không?

Tôi xin đưa ra số liệu là cho vay đầu tư chứng khoán cuối năm rồi là 6.880 tỷ đồng, đến cuối tháng 9/2009 là 11.982 tỷ đồng. Nó tăng lên và có tác động vào thị trường. Thị trường chứng khoán cũng là một thị trường, nó không có tội gì cả. Chứ cứ nói ngân hàng tác động nên nó lên thế này thế nọ thì không có. Mà những nhà đầu tư ở thị trường này là những nhà đầu tư có tính toán, có kiến thức. Họ tính toán được cả.

Còn tin đồn thì họ biết đây là thị trường tín hiệu mà, có hiệu ứng tâm lý. Nói về tin đồn như thế thì nó mênh mông lắm.

Những ngày gần đây nhà đầu tư quan tâm đến tin đồn không thông qua gói kích cầu thứ 2. Thống đốc nói gì về tin đồn này?

Tôi không bình luận về những tin đồn như thế!

Vậy quan điểm của Thống đốc như thế nào về gói kích cầu tiếp theo?

Ngày kia Chính phủ sẽ họp bàn chính thức và thông tin cụ thể.
Theo Vneconomy

Các tin liên quan