Thành quả phát triển kinh tế của người dân xã Hùng Lô có thể nhìn thấy rõ qua những con số tăng trưởng của quỹ. Nếu như năm 2010, nguốn vốn huy động dân cư mới đạt trên 39 tỷ đồng, và cho vay đạt 49 tỷ đồng thì đến giữa năm 2013, nguồn vốn huy động dân cư đạt trên 50 tỷ đồng, dư nợ bước qua con số 100 tỷ đồng.
Không phải nơi “dân to, xã lớn”, mà với chỉ chưa đầy 2km2, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ có 1.826 hộ với 6.230 nhân khẩu. Cả xã chỉ có 154 ha đất nông nghiệp, lại xâm canh ở 6 xã xung quanh nên dù ở khu vực nông thôn, nhưng nông nghiệp chẳng thể trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế xã. Và, sự ra đời, phát triển của QTDND Hùng Lô từ giữa năm 2008 đến nay đã như một trợ lực để người dân mảnh đất này tự lực vươn lên.
Chuyển dịch một miền quê
Chủ tịch HĐQT QTDND Hùng Lô, Cao Văn Hài nhớ những ngày đầu thành lập quỹ trong bối cảnh hàng loạt QTDND rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc bị đổ bể, khiến niềm tin của nhân dân và các cấp chính quyền giảm sút. Trong tay có vẻn vẹn 50 triệu đồng, trụ sở phải thuê của nhà dân, trình độ cán bộ còn chắp vá, những lãnh đạo quỹ như ông hiểu rằng giấc mơ giúp bà con vượt qua cái đói nghèo chỉ có thể trở thành hiện thực khi đặt được lòng tin với quỹ vào từng thành viên.
Sự ra đời, phát triển của QTDND Hùng Lô từ giữa năm 2008 đến nay đã như một trợ lực để người dân mảnh đất này tự lực vươn lên
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu hoạt động, quỹ luôn hoạt động theo đúng tinh thần “của dân, dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”. Cùng với sự giúp sức mạnh mẽ từ Chi nhánh QTDND Phú Thọ trong cung ứng vốn, dòng chảy tín dụng của quỹ đã ngày càng lan toả. Những ngành nghề truyền thống đã dần được khôi phục, nhiều ngành nghề mới cũng được người dân nơi đây mang về, tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã rất tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hùng Lô dần trở thành một xã nổi tiếng trong toàn quốc với nghề truyền thống chế biến lương thực, thực phẩm như mỳ sợi, bún, bánh... với quy mô sản xuất lớn. Chính vì thế mà Hùng Lô đạt mức thu nhập bình quân vào loại cao so với các xã trong địa phương.
Không chỉ giúp người dân địa phương tự tạo việc làm tại chỗ thông qua sản xuất tại làng nghề, kinh doanh, dịch vụ, QTDND Hùng Lô còn trở thành cầu nối cho việc xuất khẩu lao động địa phương.
Giám đốc NHHT chi nhánh Phú Thọ cho biết: “Đây là một trong những QTD tiên phong cho vay xuất khẩu lao động nước ngoài”. Các hộ đi lao động xuất khẩu đều được đáp ứng vốn kịp thời, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa bàn, tệ nạn cho vay nặng lãi dần được xóa bỏ, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cứ như thế bền bỉ 18 năm qua, dòng vốn từ QTDND Hùng Lô đã thắp sáng những ước mơ phát triển kinh tế cho người dân vùng đất này. Để rồi hôm nay khi nhìn lại, Hùng Lô không hiếm những ngôi nhà kiên cố và bề thế, và ẩn mình trong đó là những cơ sở làm nghề tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ, đóng góp gần 90% tổng giá trị sản xuất của xã.
Những cơ sở làm nghề truyền thống của xã phát triển cũng tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động các xã lân cận. Tháng 6/2016, Hùng Lô đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 25,45 triệu đồng/người/năm (tăng 6,05 triệu đồng so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn 1,38% (giảm 6,77% so với năm 2011), toàn xã hiện có 3.966/4.406 lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, đạt tỷ lệ 90%.
Lan toả lợi ích một mô hình
Thành quả phát triển kinh tế của người dân xã Hùng Lô có thể nhìn thấy rõ qua những con số tăng trưởng của quỹ. Nếu như năm 2010, nguốn vốn huy động dân cư mới đạt trên 39 tỷ đồng, và cho vay đạt 49 tỷ đồng thì đến giữa năm 2013, nguồn vốn huy động dân cư đạt trên 50 tỷ đồng, dư nợ bước qua con số 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỷ lục này đã nhanh chóng bị phá vỡ, khi đến cuối tháng 6/2016, tiền gửi dân cư của quỹ đạt con số158,8 tỷ đồng và dư nợ cũng đạt 148,74 tỷ đồng.
Cơ cấu cho vay cũng đang phản ánh những bước chuyển mới của các thành viên, khi cho vay ngành nghề chiếm 24,1%; Cho vay kinh doanh, dịch vụ chiếm 23,1%. Một nửa còn lại là cho vay phục vụ tiêu dùng đời sống, chiếm 52,8%.
Dòng vốn của quỹ cũng không chỉ còn chảy riêng trên địa bàn Hùng Lô, mà đang mở rộng sang 2 xã liền kề Phượng Lâu và Kim Đức, là các xã nghèo của thành phố Việt Trì. Hùng Lô cũng là quỹ hầu như không có nợ quá hạn.
Còn với những người vun đắp xây dựng quỹ từ ngày đầu như ông Hài, những kết quả kinh doanh thành công ấy rất đáng tự hào. Nhưng điều mà ông tâm đắc hơn, chính là việc thay đổi nhận thức của người dân, từ sản xuất tự cung tự cấp, sang sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững. Đây chính là điểm tựa để không chỉ Hùng Lô, mà tới đây là Phượng Lâu và Kim Đức cũng sẽ hướng tới, góp phần xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo.
Hiện đội ngũ cán bộ của quỹ đã được đào tạo cơ bản, có 55,6% trình độ đại học. Quỹ cũng đã có trụ sở khang trang, tiện nghi làm việc tốt, trang thiết bị máy móc đầy đủ.
Các dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng đang được quỹ triển khai thực hiện. Giám đốc QTDND Hùng Lô, Cao Thị Thanh Hải cho biết, việc đưa dịch vụ chuyển tiền điện tử CF-bank của NHHT vào hoạt động đã giúp quỹ đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng, gắn kết thêm quan hệ với các thành viên.
Giám đốc Hải cho biết, hiện QTDND Hùng Lô đặc biệt chú trọng đến mục tiêu phát triển bền vững, giữ niềm tin của Đảng bộ và nhân dân nơi địa phương, nhất là của hơn 2000 thành viên.
Nút giao thông nối con đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua xã đang dần hoàn thiện, các tuyến đường liên xã đang cùng liên thông mở rộng để Hùng Lô gần hơn với trung tâm thành phố Việt Trì và các khu công nghiệp Bãi Bằng, Lâm Thao cũng như với huyện Sông Lô của tỉnh bạn Vĩnh Phúc. Đó là những lợi thế mới không chỉ cho Hùng Lô mà cả Phượng Lâu và Kim Đức cùng phát triển với sự cộng hưởng của dòng vốn từ QTDND Hùng Lô.
18 năm qua, dòng vốn từ QTDND Hùng Lô đã thắp sáng những ước mơ phát triển kinh tế cho người dân vùng đất này. Để rồi hôm nay khi nhìn lại, Hùng Lô không hiếm những ngôi nhà kiên cố và bề thế, và ẩn mình trong đó là những cơ sở làm nghề tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ, đóng góp gần 90% tổng giá trị sản xuất của xã. Những cơ sở làm nghề truyền thống của xã phát triển cũng tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động các xã lân cận. |
Xuân Nguyệt
23.04.2025