Các nguồn lực mà NHHT mang lại cho QTDND Yên Minh đã góp phần tạo nên một luồng gió mới trong phát triển kinh tế của xã Tiên Phong. Từ một làng quê nghèo, quanh năm trông mong vào hạt lúa và phó mặc cuộc sống cho trời, đến nay Tiên Phong đã trở thành một vùng đất nghề.
Được thành lập năm 2008 giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người dân địa phương vẫn còn xa lạ và dè chừng với mô hình QTDND, song Chủ tịch QTDND Yên Minh (xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) Tạ Trung Bình vẫn nung nấu ước mong có thể mang nguồn vốn hỗ trợ cho vùng quê nghèo của mình, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
QTDND Yên Minh thuộc top các DN xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên
Chắp cánh cho những ước mong
Bây giờ xã Tiên Phong đang chuyển biến, có tốc độ đô thị hóa nhanh với nhà cửa, xóm ngõ, đường xá được mở mang từng ngày. Và một tương lai hứa hẹn sự đổi thay lớn hơn của làng quê này khi vài năm nữa, một khu du lịch tâm linh sẽ hoàn thành cùng con đường quốc lộ thuộc vành đai Hà Nội và 2 km đường 47 chạy qua xã.
Nhớ lại 10 năm trước thôi, con đường trước mặt quỹ, mặc dù ở vị trí trung tâm huyện nhưng chỉ là đường đất. Từ xã tới trung tâm huyện cũng chỉ chừng 7 km, nhưng bà con để vay được NHTM cực kỳ khó khăn, vì xã thuần nông, cơ cấu kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, mức bình quân thu nhập thấp, giá trị đất thấp, chưa có sổ đỏ, hộ nghèo chiếm hơn 20% trên địa bàn xã. Lao động có sức khỏe chủ yếu tìm việc và làm việc xa quê hương. Thiếu vốn là thế nhưng hoạt động cho vay của quỹ cũng chẳng dễ dàng gì khi uy tín thấp, nên huy động dân cư khó khăn, chưa kể tình hình tài chính, kinh tế trong nước lúc đó cũng như năng lực nội tại của quỹ còn nhiều bất cập.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát trong nước cao, lãi suất biến động liên tục trong khi quỹ vừa đi vào hoạt động, cơ sở vật chất không có gì. Từ bàn ghế cũng là anh em góp. “Không phải ôn nghèo, kể khổ, nhưng lúc đó khó khăn chồng chất. Đơn vị mới hoạt động với 39 thành viên và nguồn vốn vẻn vẹn 303,9 triệu đồng nhưng một phần đã chi cho góp vốn bắt buộc, xác lập tư cách thành viên với NHHT, mua máy tính, phần mềm, tủ két… Và mới chỉ hoạt động được 1 tháng đã có 3 người vì hoàn cảnh xin rút vốn 53 triệu đồng”, ông Bình kể.
Nhưng với cách tiếp cận tự tin, bình tĩnh và bám sát thực tiễn, 6 cán bộ nhân viên làm việc trực tiếp ngày đó đã đoàn kết, cần mẫn và luôn chia sẻ với nhau, làm việc 2 năm không lương, chỉ nhận phụ cấp 200.000 đồng/tháng để thêm tiền xăng xe đi làm.
Cũng từ những khó khăn nội tại ấy, Ban điều hành quỹ đã nhìn ra hướng để phát triển đột phá, đó chính là đưa công nghệ vào hoạt động cùng với nâng cao trình độ cán bộ nhân viên. “Ngày đó, nhiều QTDND vẫn hạch toán thủ công, đến Agribank vẫn viết sổ tiết kiệm bằng tay, song chúng tôi đã tìm hiểu và mạnh dạn mua phần mềm về quản lý và sử dụng trong hoạt động giao dịch. Các cán bộ nhân viên hiện đều đã được trang bị máy tính có đường truyền tốc độ cao. Hiện quỹ có 15 người, đều đã qua tập huấn về nghiệp vụ, trong đó 8 người có trình độ đại học.
Rồi Nghị định 48, Nghị định 69 và Thông tư 08 ra đời đã làm vững vàng thêm hành lang pháp lý cho quỹ. Uy tín của Ban lãnh đạo quỹ và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giúp quỹ dần thu phục được tình cảm của bà con trong xã. Đến năm 2010, quỹ đã đi vào hoạt động ổn định và có lãi tăng dần đều. Cùng với đó, quỹ luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật để gia tăng niềm tin với các thành viên cũng như cư dân trên địa bàn.
Nguồn vốn của QTDND Yên Minh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương
Phát huy sức mạnh liên kết hệ thống
Đặc biệt là ngay từ những ngày đầu thành lập, quỹ luôn đảm bảo tính liên kết hệ thống; xác định vị trí không thể loại trừ và không thể thay thế của NHHT đối với các QTDND và các thành viên. Sự liên kết này chính là mục tiêu của hệ thống, tạo ra lợi thế cạnh tranh với sự khác biệt mà các hệ thống ngân hàng khác không có được, đó là việc hỗ trợ thanh khoản và cung ứng tín dụng, cùng các sản phẩm dịch vụ mới để cả hệ thống thêm lực đỡ, trụ vững và phát triển trong thời kỳ CMCN 4.0. Tính liên kết và hỗ trợ là bản chất riêng có của hệ thống QTDND cũng đã ngấm trong từng tương tác với thành viên.
Các nguồn lực mà NHHT mang lại cho QTDND Yên Minh đã góp phần tạo nên một luồng gió mới trong phát triển kinh tế của xã Tiên Phong. Từ một làng quê nghèo, quanh năm trông mong vào hạt lúa và phó mặc cuộc sống cho trời, đến nay Tiên Phong đã trở thành một vùng đất nghề. Những người dân trước kia tha hương làm mộc ở Bắc Ninh, nhờ có nguồn vốn của quỹ đã về quê lập nghiệp hình thành làng nghề mộc với những sản phẩm cao cấp xuất khẩu.
Ông Nghiêm Văn Mười, trước đây phải bôn ba xuống Bắc Ninh làm thợ, là một trong những người vay vốn từ ngày đầu của quỹ, giờ ông đã có một xưởng lớn làm giường gỗ hương xuất khẩu. Sản phẩm của ông có tiếng về chất lượng và độ tinh xảo với chiếc rẻ nhất cũng có giá 30 triệu đồng…
Hay như gia đình ông Nghiêm Văn Phúc, xưởng mộc được dựng lên cũng đồng nghĩa với việc hai cha con ông về địa phương làm ăn sinh sống, và góp phần tạo công ăn việc làm cho 4 người trong làng xã, mỗi năm xuất đi khoảng 150 chiếc giường gỗ hương xuống đầu mối xuất khẩu ở Bắc Ninh.
Rồi cùng với đó, đã xuất hiện thêm nhiều nghề mới như kinh doanh, xây dựng, giao thông vận tải. Trước đây xã khá nghèo, nay nhà lầu mọc lên nhiều, nhiều người đã có được ô tô đắt tiền, đường làng đã được bê-tông hóa và mở rộng đủ cho ô tô tải, du lịch ra vào. Nhiều thành viên không còn vay vốn QTDND mà trở thành người gửi tiền vào quỹ. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giờ còn 3-4%.
Không chỉ hỗ trợ những người dân Tiên Phong, từ năm 2014 đến nay, quỹ đã mở rộng ra xã Đông Cao, phường Đồng Tiến và Tân Hưng. Với 1.600 thành viên, trong đó Tiên Phong chiếm 80%, quỹ có vốn lưu động 5,5 tỷ đồng, vốn tự có 7 tỷ đồng và tài sản trị giá khoảng chục tỷ đồng; dư nợ cho vay 90 tỷ đồng. Từ 2015, quỹ luôn thuộc TOP các DN xuất sắc của tỉnh Thái Nguyên; làm động lực và nòng cốt cho thành lập hội DN địa phương.
Vẫn như từ những ngày đầu thành lập, ông Tạ Trung Bình cùng HĐQT, Ban điều hành và anh em trong quỹ mong muốn sẽ nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của quỹ để hòa chung nhịp đập phát triển kinh tế của một miền quê đang đô thị hóa. Và một ngày không xa, hòa chung với niềm vui của miền quê nông thôn mới, ông kỳ vọng một Tiên Phong rạng rỡ cùng lịch sử từ sự phát triển du lịch.
Theo Thời báo Ngân hàng23.04.2025