NHHT đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ưu tiên nguồn vốn cho vay các QTDND để hỗ trợ khả năng chi trả và mở rộng tín dụng...
NHHT tập trung mở rộng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được giao và định hướng ưu tiên cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn
Nhìn lại chặng đường từ đầu năm đến nay, hoạt động của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) đối mặt với khó khăn nhất là nửa đầu năm khi tiền gửi điều hòa nhận từ các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) liên tục tăng so với đầu năm (tăng 43,15%), trong khi dư nợ cho vay các QTDND giảm 24,88%, dẫn đến tình trạng dư thừa vốn.
Tuy nhiên dù trong điều kiện nào, NHHT cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt vai trò đầu mối liên kết hệ thống, tích cực hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả.
Gia tăng nội lực
Lãnh đạo NHHT cho biết, số dư tiền gửi vốn điều hòa của các QTDND tại NHHT đến 30/6/2016 là 14.591 tỷ đồng, tăng 4.398 tỷ đồng so với 31/12/2015 (tỷ lệ tăng là 43,15%). Phần lớn các QTDND đều tự cân đối được nguồn vốn huy động tại chỗ để cho vay, đồng thời còn dư thừa nguồn gửi về NHHT nên dư nợ cho vay điều hòa đối với các QTDND chỉ còn 3.440 tỷ đồng, giảm 24,88% so với thời điểm 31/12/2015.
Để đối mặt với xu hướng nguồn vốn từ các QTDND ngày càng dư thừa và dự đoán lãi suất sẽ đi ngang và giảm nhẹ vào khoảng quý II nên ngay từ đầu năm NHHT đã lên kế hoạch sử dụng nguồn vốn này.
Với phần lớn nguồn vốn đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, một phần gửi có kỳ hạn trên thị trường liên ngân hàng đã góp phần để NHHT duy trì lãi suất đầu ra của hệ thống ở mức an toàn, đồng thời đảm bảo các giới hạn tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định tại Thông tư 36.
Cùng với đó, NHHT đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ưu tiên nguồn vốn cho vay các QTDND để hỗ trợ khả năng chi trả và mở rộng tín dụng.
Trong bối cảnh nguồn vốn dư thừa tạo áp lực chi phí lên hoạt động và hiệu quả của NHHT, Ban lãnh đạo NHHT nhìn nhận việc hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân vay vốn là một giải pháp quan trọng trong hoạt động phát triển kinh doanh.
Tuy nhiên, lĩnh vực mà NHHT hướng đến không dàn trải mà tập trung mở rộng tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao và theo đúng định hướng ưu tiên cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó tập trung cho vay đối với các hộ gia đình, CBCNV là giáo viên nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phục vụ đời sống tại khu vực nông thôn.
Ngoài việc cho vay trực tiếp đối với khách hàng, NHHT cũng tích cực triển khai cho vay và giải ngân thông qua các QTDND theo hình thức cho vay liên kết, cho vay đồng tài trợ. Đến 30/6/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn hệ thống là 9.367 tỷ đồng chiếm 58,93% tổng dư nợ; trong đó, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình là 5.902 tỷ đồng.
Các dịch vụ ngân hàng hiện đại phục vụ hệ thống QTDND cũng được đẩy mạnh và nhân rộng. Đến nay hệ thống thanh toán chuyển tiền nội bộ được duy trì hoạt động ổn định, phục vụ tốt cho công tác điều hòa vốn, đồng thời cung ứng dịch vụ chuyển tiền phục vụ nhu cầu thanh toán của thành viên và khách hàng. Số liệu giao dịch thanh toán nội bộ qua hệ thống Ngân hàng điện tử CF-ebank đến 30/6/2016: doanh số chuyển tiền đi đạt 133.289 tỷ đồng, doanh số chuyển tiền đến đạt 130.472 tỷ đồng.
Bên cạnh kênh thanh toán chuyển tiền điện tử nội bộ, NHHT còn mở rộng thanh toán qua các kênh thanh toán như: thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad), thanh toán đa phương với các ngân hàng... 6 tháng đầu năm doanh số chuyển tiền đi đạt 31.102 tỷ đồng (98.619 món), doanh số chuyển tiền đến đạt 30.169 tỷ đồng (34.707 món).
Công tác ứng dụng tin học trong năm 2016 đã có những bước phát triển và luôn bám sát mục tiêu định hướng của NHHT. Việc triển khai và đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu tập trung tại Hưng Yên, trung tâm dự phòng, mạng truyền thông, hệ thống an toàn bảo mật giao dịch điện tử; xây dựng hệ thống ngân hàng lõi (corebanking) đã và đang góp phần thực hiện mục tiêu là phát triển NHHT thành một ngân hàng đa năng hiện đại, làm tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND.
Tiếp sức hệ thống
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng NHHT đã tập trung thực hiện tốt việc điều hoà vốn, hỗ trợ khả năng chi trả cho hệ thống QTDND, thực thi có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016.
Đồng thời xúc tiến triển khai thực hiện các nhiệm vụ của NHHT đối với các QTDND theo quy định tại Thông tư 31/2012/TT-NHNN, Thông tư 03/2014/TT-NHNN và Thông tư 04/2015/TT-NHNN.
Tính đến 30/6/2016 dư nợ cho vay đối với các QTDND là 3.440 tỷ đồng, trong đó: dư nợ cho vay mở rộng tín dụng là 2.553,34 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ khả năng chi trả là 11,8 tỷ đồng; dư nợ cho vay Dự án liên kết với QTDND là 62,78 tỷ đồng; dư nợ cho vay các Dự án (AFD, ADB 1802, ICO, ADB 2513) là 812,08 tỷ đồng.
Vai trò tổ chức đầu mối, không chỉ dừng lại trong việc cho vay các QTDND để đảm bảo thanh khoản, mở rộng tín dụng, NHHT còn hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động để giúp đỡ, tư vấn trong quản trị điều hành, huy động vốn và cho vay.
Một mặt NHHT cho vay hỗ trợ khả năng chi trả kịp thời, mặt khác tham mưu, phối hợp với chi nhánh NHNN, chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ để QTDND vượt qua khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ, đáp ứng khẩn trương và kịp thời về vốn của NHHT mà các QTDND nói trên sớm ổn định tình hình hoạt động, góp phần thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm, NHHT đã cho vay hỗ trợ
chi trả tiền gửi QTDND Tây Giang; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các QTDND
Thuận Hòa và Hát Lót. Nâng mức cho vay tối đa đối với QTDND lên trên 30 tỷ
đồng: 9 QTDND (Phước Thái, Lộc Thanh, Lộc An, Lộc Thắng, Lộc Phát, Tân Hội, Cao
su Đăk Lăk, Pơng Đrang, Ngọc Lũ). Nâng mức vốn tham gia của NHHT lên trên mức
50% trong tổng dư nợ cho vay thành viên đối với 3 QTDND (Đăk Hà, Đông Hòa, Tân
Hiệp A).
Với vai trò đầu mối cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho các QTDND, NHHT tiếp tục triển khai dịch vụ chuyển tiền cho các QTDND thông qua Dự án QTDND – Ngân hàng điện tử (CF – eBank). Đến nay, NHHT đã kết nạp 351 QTDND tham gia hệ thống chuyển tiền, hiện còn 80 QTDND đã được NHHT đào tạo về nghiệp vụ thanh toán chuyển tiền đang chờ được NHNN cấp phép hoạt động sẽ tiến hành các thủ tục kết nạp tham gia hệ thống thanh toán chuyển tiền.
Những trợ lực tăng tính bảo an cho hệ thống cũng đang được NHHT đẩy mạnh với việc tiếp tục triển khai hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đối với các khách hàng, doanh nghiệp và hệ thống QTDND. Cùng với việc hình thành cơ sở dữ liệu về tình hình hoạt động của hệ thống QTDND; NHHT đang hoàn thiện việc xây dựng các tiêu chí đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn, chất lượng hoạt động… để tư vấn nghiệp vụ cho các QTDND thực hiện có hiệu quả hoạt động của mình.
NHHT đã có văn bản hướng dẫn các QTDND triển khai việc phát hành thẻ thành viên QTDND thống nhất trên cả nước theo quy định tại Thông tư 04/2015/TT-NHNN, góp phần từng bước xây dựng và quảng bá thương hiệu của hệ thống QTDND.
Đến ngày 30/6/2016, tổng nguồn vốn Quỹ bảo toàn đã đạt 85,56 tỷ đồng. Đến nay, Quỹ bảo toàn đã triển khai cho vay hỗ trợ 9 QTDND khó khăn về tài chính với tổng số tiền là 18,5 tỷ đồng.
Để phát huy những thành quả đã đạt được, NHHT xây dựng phương hướng, nhiệm vụ triển khai trong 6 tháng cuối năm 2016 với sợi dây xuyên suốt trong hoạt động thực hiện tốt vai trò là ngân hàng đầu mối.
Theo đó, NHHT sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và chỉ đạo của NHNN để điều hành lãi suất linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức huy động, nâng cao chất lượng các sản phẩm huy động truyền thống, phát triển các sản phẩm mới về cho vay, huy động, điều hòa vốn...
Hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo điều hành theo các văn bản quy phạm pháp luật của NHNN. Cùng với những nỗ lực tự thân, NHHT cũng đề xuất, NHNN hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý cho hoạt động của hệ thống QTDND nói chung và NHHT nói riêng.
Cụ thể như: Chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với tính đặc thù trong hoạt động của QTDND đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của QTDND và NHHT. NHNN cần sớm ban hành cơ chế xử lý đối với khoản cho vay hỗ trợ của NHHT đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động khi không thu hồi được nợ.
Cũng với tâm nguyện tạo điều kiện cho NHHT thực hiện tốt Phương án tái cơ cấu đã được Thống đốc NHNN phê duyệt tại Quyết định số 55/QĐ-NHNN ngày 5/11/2014, NHHT đề nghị NHNN sớm ban hành Thông tư quy định về mạng lưới của TCTD là hợp tác xã để tạo hành lang pháp lý cho NHHT, các QTDND triển khai thực hiện.
Minh Ngọc/TBNH
23.04.2025