19.02.2019 07:00

Nâng tầm sứ mệnh trong thời kỳ mới

Có thể khẳng định với vai trò là “Ngân hàng của các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND)”, thời gian qua, Ngân hàng Hợp tác đã hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả... 

Qua đó, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của QTDND, giữ vững sự phát triển ổn định của hệ thống. Song, việc nền kinh tế hội nhập sâu rộng cũng đặt ra cho hệ thống QTDND nhiều thách thức và đòi hỏi cả Ngân hàng Hợp tác lẫn hệ thống QTDND cần có những thay đổi để thích ứng. 

 

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV

Nhân dịp đầu năm mới, phóng viên đã có cuộc trao đổi với thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia – chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực, để có thể tìm ra lời giải cho bài toán chiến lược đối với hệ thống này.

Là người đã theo khá sát với hoạt động của hệ thống QTDND cũng như tham gia giảng dạy, chia sẻ cho các cán bộ trong hệ thống QTDND, ông có thể cho biết một vài đánh giá về vai trò và sự phát triển của hệ thống này trong giai đoạn hiện nay?

Có thể khẳng định QTDND đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính tiền tệ Quốc gia. Điều đó được thể hiện ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, đây là hệ thống TCTD ra đời rất sớm trên thế giới và ở Việt Nam. Đến những năm 1980, bắt đầu phát triển tương đối nhanh và mạnh. Điều này cho thấy QTDND là một mắt xích, cấu phần quan trọng của hệ thống các TCTD Quốc gia.

Thứ hai là góp phần huy động vốn và cho vay đối với nền kinh tế đặc biệt là khu vực nông nghiệp nông thôn.

Thứ ba, bằng việc huy động vốn, cung ứng vốn, đã giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho thành viên, người dân, hộ gia đình; qua đó góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, các chương trình nông thôn mới, góp phần tạo công ăn việc làm và xoá đói giảm nghèo ở những địa bàn mà QTDND hoạt động. Đồng thời, các QTDND cũng góp phần đáng kể giảm tín dụng đen ở nông thôn và miền núi.

Tuy nhiên, hoạt động của các QTDND hiện vẫn còn chưa tương xứng với mục tiêu đặt ra.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những tồn tại, thách thức đặt ra đối với hệ thống QTDND?

Trên thực tế, vẫn còn tồn tại một số hạn chế và bất cập, đặc biệt là về cách thức hoạt động, năng lực cán bộ và rủi ro đạo đức. Điểm cần lưu ý nữa là trình độ cán bộ, kể cả quản lý cũng như cán bộ nghiệp vụ của các QTDND tuy đã được nâng lên nhưng có vẻ vẫn chưa theo kịp yêu cầu.

Việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của Quỹ chưa được quan tâm thích đáng, hiện vẫn làm thủ công nhiều. Điều này khiến cho việc kiểm soát rủi ro khó khăn, năng suất lao động chưa cao; hệ thống thông tin cập nhật, báo cáo để báo cáo cơ quan quản lý cũng như quản trị điều hành của bản thân QTDND cũng gặp trở ngại.

Hiện nay, xu thế ngân hàng số, Fintech và những sản phẩm dịch vụ mới của hệ thống tài chính – ngân hàng phát triển nhanh chóng khiến cho môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nếu các QTDND không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đương nhiên sẽ khó trụ được.

 

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý để hoạt động của hệ thống QTDND an toàn, hiệu quả hơn

Theo ông, hiện hành lang pháp lý đã đủ để đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả đúng mục tiêu tôn chỉ?

Có thể khẳng định, NHNN đã tập trung để hoàn thiện thể chế và chấn chỉnh, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ cũng như Ngân hàng Hợp tác, như tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu, trong đó có nợ xấu của hệ thống QTDND và Chính phủ đã ban hành Quyết định 1058 về tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu hệ thống TCTD giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có đề cập đến tái cơ cấu hệ thống QTDND, tăng cường vai trò của Ngân hàng Hợp tác và BHTG.

Mới đây nhất, Thống đốc NHNN đã ban hành một số văn bản chỉ đạo quan trọng nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động của QTDND như Chỉ thị 06. Nhờ đó, chất lượng hoạt động của các QTDND cũng dần được nâng lên, mạng lưới QTDND cũng được sắp xếp lại phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế và địa bàn...

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của hệ thống QTDND vẫn còn một số điểm vướng mắc. Thứ nhất, là đề án về tái cơ cấu hệ thống QTDND vẫn chưa được ban hành, mặc dù đây là đòi hỏi từ thực tiễn tái cơ cấu cũng như yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Hai là, hiện ngoài Quỹ bảo toàn ra thì chưa có một Quỹ dự phòng để xử lý rủi ro đối với hoạt động của QTDND, gồm cả trường hợp rủi ro mất vốn (như đối với các NHTM). Ba là, cơ chế của các cơ quan quản lý với chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ, nhuần nhuyễn, dẫn đến việc khi xảy ra rủi ro của QTDND nào đó thì sự vào cuộc khắc phục, xử lý vẫn còn chậm…

Bởi vậy, để tiếp tục hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND, NHNN cần nghiên cứu để có quy định về mức độ tối đa huy động vốn và cho vay của từng nhóm QTDND trên cơ sở năng lực của quỹ, trên cơ sở nhu cầu của địa bàn hoạt động, chứ không nên “cào bằng” như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần thành lập Quỹ dự phòng rủi ro (như là một phần của quỹ bảo toàn).

Đặc biệt, cần tăng cường năng lực thanh tra, giám sát đối với hoạt động của hệ thống QTDND. NHNN cũng nên sớm trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về phát triển tài chính toàn diện, trong đó có nội dung rất quan trọng là phát triển tài chính vi mô và giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Các nghiên cứu chứng minh rằng nếu người dân hiểu biết hơn về dịch vụ tài chính thì sẽ sử dụng tiền hiệu quả, thông minh hơn, thấy rõ trách nhiệm của mình trong trả nợ và nợ xấu ít hơn.

Vậy bản thân hệ thống QTDND cần phải làm gì, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, bản thân các QTDND cần phải thay đổi lớn trong mô hình tổ chức và hoạt động. Về mô hình tổ chức, cơ chế phê duyệt tín dụng phải thực hiện theo hình thức mới với ít nhất là 2 khâu: gồm khâu đề xuất riêng, khâu thẩm định và giải ngân riêng, chứ không hoạt động theo mô hình hiện nay một người làm hết.  Phân cấp ủy quyền cũng cần rà soát, điều chỉnh phù hợp (như hạn mức huy động, cho vay của từng nhóm Quỹ khác nhau).

Đặc biệt, cần chú trọng hơn đến yếu tố con người bằng cách chuẩn hóa yêu cầu đầu vào, chuẩn hóa nội dung, chương trình tập huấn, đào tạo, kiểm tra – đánh giá cán bộ QTDND (nhất là Giám đốc Quỹ); trong đó hết sức lưu ý rủi ro nhóm lợi ích (nhiều người trong cùng một Quỹ có quan hệ họ hàng, thân quen…).

Chú trọng nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng của cán bộ Quỹ trong khâu thẩm định, đánh giá tín dụng và quản lý rủi ro. Trước sức ép cạnh tranh, các QTDND cần đa dạng hoá hoạt động, đặc biệt thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của người dân, hộ gia đình...

Đối với Ngân hàng Hợp tác, cần làm những gì để tăng cường vai trò và năng lực hỗ trợ hệ thống QTDND, thưa ông?

Sau hơn 5 năm chuyển đổi mô hình thành Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Hợp tác đã thực hiện tốt vai trò là một trung gian điều hoà vốn, bao gồm từ huy động, cho vay các QTDND; qua đó, góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như là hỗ trợ thanh khoản đối với các QTDND. Ngân hàng Hợp tác cũng đã làm tốt vai trò hỗ trợ thanh khoản đối với các QTDND khi xảy ra sự cố rủi ro, thông qua việc sử dụng một phần của Quỹ bảo toàn. Ngân hàng đã chủ động nghiên cứu đa dạng hoá hoạt động của mình bằng cách tăng cường huy động vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế…

Đồng thời, đã tích cực sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi và vốn huy động được để cho vay bên ngoài như cho vay doanh nghiệp và cá nhân. Tích cực phát triển ứng dụng CNTT như sử dụng hệ thống corebanking, thanh toán điện tử… góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, nhất là thanh toán trong toàn hệ thống. Chất lượng tín dụng hoạt động của Ngân hàng Hợp tác là tương đối tốt, nợ xấu nội bảng theo tôi được biết hiện nay vào khoảng 1,5%/tổng dư nợ.

Tuy nhiên, để tăng cường vai trò và năng lực hỗ trợ hệ thống, theo tôi, Ngân hàng Hợp tác nên nghiên cứu nâng tầm đáp ứng yêu cầu mới. Một là tiếp tục cải tiến quy trình, cách thức điều hoà vốn cho hiệu quả hơn nữa. Thí dụ, không áp dụng một mức lãi suất vay cho tất cả các QTDND mà nên áp dụng mức lãi suất khác nhau đối với các nhóm QTDND, tuỳ vào chất lượng, quy mô của Quỹ đó.

Đối với cho vay bên ngoài cần tiếp tục khuyến khích, tuy nhiên cần phải chú ý 2 điểm: cố gắng huy động nguồn vốn từ dân cư, tổ chức kinh tế nhiều hơn nữa; kiểm soát chất lượng tín dụng cho vay bên ngoài. Muốn làm được điều đó, Ngân hàng Hợp tác cần phải nâng cao năng lực trình độ cán bộ quản lý, cán bộ tín dụng để đảm bảo cho vay bên ngoài không phát sinh nợ xấu cũng như tăng khả năng tư vấn cho các QTDND.

Hai là, tiếp tục tăng cường chú trọng phát triển hệ thống CNTT, đặc biệt là có thể kết nối với QTDND cũng như giữa các quỹ với nhau; qua đó đảm bảo khâu quản lý vốn, tín dụng, thống kê báo cáo hoạt động của các Quỹ tốt hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Hợp tác cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý, hỗ trợ, giám sát với các QTDND; cần chủ động đề xuất phương án để quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn và Quỹ dự phòng rủi ro (nếu có) một cách hiệu quả hơn nữa.

Xin chân thành cảm ơn ông! 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan