28.01.2019 17:25

Hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ: An toàn đi đầu với hiệu quả

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ phát triển ổn định đã tạo nền tảng để quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phường Minh Phương vận hành an toàn và hiệu quả trong năm 2018 vừa qua. Đặc biệt, trong số hơn 2.200 hộ hoạt động trên nhiều lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp tới công nghiệp và dịch vụ, hơn 80% là thành viên của QTDND Minh Phương, đã tạo cơ hội cho người dân trên địa bàn tận dụng nguồn vốn sẵn có để phát triển sinh kế

 

Các QTDND luôn bám sát nhu cầu vay vốn để phát triển sinh kế trên địa bàn 

Chia sẻ về hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, ông Hoàng Tiến Độ, Giám đốc QTDND phường Minh Phương cho biết, các lĩnh vực chủ yếu gồm cơ khí gò hàn, ga khí lỏng, vật liệu xây dựng; kinh doanh khách sạn, nhà hàng, kinh doanh may mặc; kinh doanh thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi lợn, gà với quy mô trang trại. Ngoài ra trên địa bàn còn có các dịch vụ sắt thép, nhôm kính, mộc dân dụng, chế biến gỗ, sửa chữa xe máy. Ước tính trong năm 2018 còn có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động tại các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Nắm bắt được nhu cầu hoạt động đa dạng đó, ông Độ khẳng định ngoài nguồn vốn của các TCTD khác, các hộ trên địa bàn chắc chắn có nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận vốn từ QTDND. Vì vậy Ban lãnh đạo QTDND phường Minh Phương đã xây dựng kế hoạch về cho vay vốn tập trung vì quỹ đang có lợi thế là hầu hết các hộ gia đình đã là thành viên của quỹ.

Nhờ đón đầu nhu cầu vay vốn trên địa bàn, đến 31/12/2018, QTDND Minh Phương có tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 102 tỷ đồng, tăng 17,78% so với cuối năm trước; tổng dư nợ cho vay đạt 89,76 tỷ đồng, tăng 23,5%. Năm 2018, QTDND Minh Phương có lợi nhuận trước thuế đạt 1,06 tỷ đồng, tăng 10,8% và đạt 100% kế hoạch năm. Lợi tức góp vốn năm 2018 dự kiến gần 10%. Những con số này cho thấy chất lượng tín dụng của QTDND Minh Phương tương đối tốt.

Để hoạt động của QTDND Minh Phương tiếp tục được an toàn, hiệu quả và phát triển, HĐQT, Ban điều hành quỹ xác định phải lường trước những diễn biến mới của thị trường để có ngay những biện pháp xử lý phù hợp. Quan trọng hơn cả là chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nhà nước, của NHNN trong hoạt động của quỹ, nhất là các hoạt động nghiệp vụ có rủi ro cao như hoạt động cho vay, hoạt động kho quỹ.

Nâng cao tinh thần thái độ, trách nhiệm trong công việc của cán bộ, nhân viên trong đơn vị; phát huy tốt vai trò của kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đồng thời thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kiến nghị của ban kiểm soát; tranh thủ sự giúp đỡ của NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ, của các cấp, các ngành địa phương.

Mô hình hoạt động thành công của QTDND Minh Phương trong năm vừa qua không phải là cá biệt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo ông Phạm Trường Giang, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 39 QTDND hoạt động tại 69 xã, phường, thị trấn trong 11 huyện, thị, thành phố. Năm 2018 các QTDND tiếp tục được NHNN chi nhánh quản lý chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, nhờ đó hoạt động tương đối ổn định, an toàn và hiệu quả, thể hiện ở hầu hết các hoạt động công tác cơ bản.

Đến hết năm 2018 hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh có 41.885 thành viên tham gia góp vốn; so với cuối năm 2017 giảm hơn 2.093 thành viên. Nguyên nhân giảm là do các QTDND thực hiện rà soát và cho ra khỏi quỹ đối với những thành viên không đáp ứng các điều kiện theo quy định Thông tư 04 của NHNN Việt Nam trên cơ sở đã tuyên truyền, phổ biến đầy đủ và sự tự nguyện của thành viên.

Dù số thành viên giảm đi nhưng quy mô nguồn vốn hoạt động vẫn tăng lên đi kèm với chất lượng. Đến hết năm 2018 quy mô vốn của hệ thống QTDND Phú Thọ là 3.863 tỷ đồng, tăng 14,85% so với cuối năm 2017. Trong đó có 4 QTDND có nguồn vốn hoạt động cao trên 150 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay trong năm qua đạt 3.482 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 tăng 16,76%. Các quỹ đã kịp thời thực hiện quy định về điều chỉnh mức lãi suất cho vay của NHNN Việt Nam và chỉ đạo của NHNN tỉnh, cùng với đó là các quy định về an toàn hoạt động. Nhờ đó nợ xấu hạch toán chỉ chiếm 1,09% trên tổng dư nợ cho vay. Trong đó có tới 14 quỹ hạch toán không có nợ xấu.

An toàn luôn đặt lên hàng đầu

Chia sẻ về hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong năm vừa qua, Giám đốc Phạm Trường Giang nhấn mạnh yếu tố an toàn luôn được Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh Phú Thọ đặt lên hàng đầu. Bám sát định hướng đó, các văn bản mới trong năm về hoạt động của QTDND đều được NHNN tỉnh triển khai kịp thời thông qua hòm thư điện tử tới từng quỹ.

NHNN tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn cho Ban kiểm soát về công tác kiểm soát nội bộ QTDND; tổ chức tập huấn cho Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Kiểm soát trưởng, Kế toán trưởng về triển khai các văn bản, chính sách có liên quan tới chế độ tài chính đối với QTDND và hướng dẫn sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ QTDND; mạng lưới hoạt động của TCTD là HTX; hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi, danh sách dự kiến bầu, bổ nhiệm nhân sự của các TCTD là HTX; hướng dẫn quy trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, hướng dẫn về báo cáo thống kê phục vụ công tác giám sát…

 Qua công tác tập huấn và hướng dẫn của NHNN chi nhánh đã giúp cho các QTDND thực hiện đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính toán chính xác các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Bên cạnh đó, NHNN tỉnh tiếp tục chuyển mạnh từ thanh tra định kỳ sang thanh tra trên cơ sở có dấu hiệu rủi ro; hoạt động thanh tra tại chỗ ngày càng dựa trên nền tảng kết quả giám sát phân tích hoạt động QTDND. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động, gắn kết quản lý thông tin hệ thống, thường xuyên cảnh báo rủi ro trong hoạt động của các QTDND. Thực hiện quy định mới về thông tin báo cáo, thống kê, hệ thống tài khoản kế toán. Bố trí sắp xếp cán bộ chuyên quản phù hợp...

Nội dung  thanh tra, kiểm tra chủ yếu tập trung vào việc đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ; kiểm tra phân loại nợ; kiểm tra an toàn kho quỹ. Trong quá trình thanh tra, NHNN chi nhánh đã đưa ra 56 kiến nghị, yêu cầu các QTDND nghiêm túc khắc phục, chỉnh sửa. 

“Dưới sự chỉ đạo của NHNN Việt Nam và trực tiếp là NHNN chi nhánh Phú Thọ, hoạt động năm vừa qua của hệ thống QTDND trên địa bàn rất khởi sắc. Lợi nhuận năm 2018 của các quỹ đạt 33 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, tất cả các quỹ đều có lãi sau khi trích lập dự phòng rủi ro, trích nộp phí bảo hiểm tiền gửi, phí bảo toàn hệ thống theo quy định”, ông Giang cho biết.

Nhìn chung, quy mô hoạt động của hệ thống QTDND tăng lên cả về vốn góp, vốn huy động và đầu tư cho vay, kết quả kinh doanh. Kết quả xếp loại năm 2018, các QTDND được đánh giá, xếp loại hạng A và B chiếm số lượng đại đa số. Hệ thống QTDND trên địa bàn duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả. Tổ chức và hoạt động QTDND dần đi đúng nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích và từng bước đáp ứng quy định của Nhà nước đối với loại hình TCTD này.

Từ sự tăng trưởng cả về quy mô, nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động QTDND đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện an sinh, trật tự xã hội từng địa phương nói chung và đời sống thành viên QTDND theo đúng mục tiêu đề ra. Đã có sự đoàn kết, nỗ lực cố gắng của phần lớn cán bộ nhân viên QTDND từ nhận thức đúng đắn về sự tồn tại, phát triển của QTDND gắn với lợi ích chung, gắn với việc làm và thu nhập của bản thân để tổng hợp thành sức mạnh.

Sự thành công trong hoạt động của hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ trong năm qua một lần nữa khẳng định vai trò quản lý nhà nước của NHNN về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng ngày càng thể hiện rõ nét. Trước hết đó là việc quán triệt, triển khai các cơ chế, chính sách; sự sâu sát, tận tâm, cụ thể trong hướng dẫn nghiệp vụ, tạo ra các sản phẩm mẫu, các quy trình, quy định, các bước cụ thể trong thực hiện nghiệp vụ mới; sự sâu sát, vào cuộc, hướng dẫn trực tiếp, phối hợp chỉ đạo trong xử lý nợ xấu...

Trong công tác giám sát, NHNN tỉnh đã chặt chẽ, thường xuyên thực hiện vai trò thanh tra chuyên quản, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời ngay từ khi xuất hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm...

Cùng với đó, không thể không kể đến sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn quản lý và đối với đối tượng là QTDND ngày càng cụ thể, sâu sát. Vấn đề trao đổi thông tin, sự phối hợp trong quản lý của NHNN với cấp ủy, chính quyền địa phương đối với QTDND ngày càng chặt chẽ, sâu sắc và hiệu quả.

  

Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan