29.08.2011 10:15

Hệ thống QTDND góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước, Chính phủ đã có chủ trương nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các hợp tác xã tín dụng ở nước ta và các mô hình tổ chức, hoạt động của loại hình Quỹ tín dụng phát triển mạnh ở một số nước phát triển trên thế giới để xúc tiến xây dựng, thiết lập một mô hình tài chính vĩ mô là tổ chức tín dụng hợp tác mới, thích hợp với tình hình kinh tế thị trường ở nông thôn.

Phát triển hệ thống QTDND
Năm 1993, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ "Ðề án thí điểm thành lập QTDND” ở Việt Nam và ngày 27-7-1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 390/TTg cho phép triển khai đề án thí điểm thành lập Hệ thống QTDND. Ðây là một trong những bước đi đầu tiên cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở nông thôn. Sau bảy năm thí điểm, gần hai năm củng cố chấn chỉnh, đến cuối năm 2001, toàn hệ thống 906 QTDND cơ sở với tổng nguồn vốn là 2.959 tỷ đồng, tổng dư nợ là 2.559 tỷ đồng phục vụ hơn 800.000 thành viên và QTDND Trung ương có 24 chi nhánh với tổng nguồn vốn hoạt động là 911 tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 728 tỷ đồng.
Hiện nay, mô hình QTDND đang được tiếp tục phát triển tại các tỉnh, thành phố và hoạt động của các QTDND cơ sở đã giúp các hộ gia đình mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển các ngành nghề, dịch vụ, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho thành viên, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ðại bộ phận thành viên đều thể hiện vai trò trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với hoạt động của QTDND, chấp hành nghiêm túc các quy định, chế độ và ý thức xây dựng QTDND. Số lượng QTDND hoạt động tốt ngày càng tăng, số QTDND hoạt động yếu kém ngày càng giảm đi. Chỉ tính từ cuối năm 2006 đến nay có thêm bốn tỉnh mới tiến hành thành lập QTDND là Quảng Ninh, Cần Thơ, Hậu Giang và Thái Nguyên. Ðặc biệt, từ thực tiễn và kết quả hoạt động chung của toàn hệ thống, ngày 16-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1563/QÐ-TTg về phê duyệt phương án bổ sung vốn điều lệ cho QTDND Trung ương lên 2.000 tỷ đồng.
Ðến tháng 6-2011, cả nước đã có 1.071 QTDND cơ sở hoạt động tại 56/63 tỉnh, thành phố với gần 1,7 triệu thành viên là các hộ gia đình; tổng nguồn vốn hoạt động lên đến hơn 31.742 tỷ đồng (không kể QTDND Trung ương), tăng 13% so với 31-10-2010 và tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái (30-6-2010). Tính trung bình tổng nguồn vốn hoạt động của mỗi QTDND cơ sở khoảng 30 tỷ đồng, phục vụ trung bình gần 1.700 thành viên đại diện hộ gia đình. Theo tính toán ở thị trường nông thôn với địa bàn của một xã thì lượng vốn từ 20 đến 30 tỷ đồng như vậy sẽ có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo thêm nguồn lực mạnh mẽ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong thực tế, có rất nhiều QTDND cơ sở đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế ở địa phương như: QTDND Cương Gián ở Hà Tĩnh đã trực tiếp hỗ trợ cho vay hàng trăm người đi xuất khẩu lao động, hay QTDND Cao su Ðắc Lắc, QTDND Xuyên Mộc ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ hàng nghìn thành viên phát triển sản xuất, số vốn của QTDND này lên đến hàng trăm tỷ đồng; hoặc như QTDND Chương Mỹ, QTDND Dương Nội ở Hà Tây (trước đây), Ðình Bảng (Bắc Ninh) lại là mô hình hỗ trợ hiệu quả cho phát triển ngành nghề, dịch vụ. Thực tế ở nhiều nơi, nhiều vùng nhờ có QTDND nên thành viên, các hộ gia đình có điều kiện xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho địa phương chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng trong nông nghiệp... Mặt khác, với tư cách là một doanh nghiệp, QTDND đóng góp một cách đáng kể các khoản thuế hằng năm cho ngân sách địa phương, trực tiếp tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở xã, phường hỗ trợ các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ một cách kịp thời, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Ðịnh hướng phát triển
Thành công của hệ thống QTDND có vai trò hết sức quan trọng của QTDND Trung ương. Trong mô hình tổ chức của hệ thống ba cấp (trước đây) và hai cấp hiện nay thì QTDND Trung ương đóng vai trò là tổ chức đầu mối về vốn, hỗ trợ triển khai các sản phẩm, dịch vụ cho QTDND cơ sở. Ðây là mối liên kết có tính quyết định bảo đảm cho toàn hệ thống phát triển an toàn, bền vững; bởi vì, trong khi các QTDND cơ sở là những pháp nhân độc lập, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay nếu không có một tổ chức đầu mối liên kết kinh tế dưới hình thức Liên hiệp HTX cấp quốc gia thì khi gặp khó khăn về khả năng chi trả, thanh toán thì từng QTDND cơ sở dễ lâm vào khó khăn, mất khả năng thanh khoản, dẫn đến mất kiểm soát, sụp đổ, gây nên hệ quả dây chuyền lớn trong hệ thống. QTDND Trung ương với chức năng đầu mối chính là tổ chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ này, đồng thời trong điều kiện bình thường cũng thường xuyên tổ chức điều hòa vốn trong nội bộ, bảo đảm dòng chảy thông suốt, hài hòa về vốn trong toàn hệ thống. Không chỉ là đầu mối về vốn QTDND Trung ương còn thực hiện hỗ trợ các QTDND triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các dự án của tổ chức trong nước và ngoài nước, tư vấn, phối hợp xây dựng cơ chế, cung cấp thông tin...
Ðể khai thác tốt hơn nữa tiềm năng vốn nhàn rỗi trong dân cư, phát huy vai trò của hệ thống QTDND cần nhanh chóng tập trung giải quyết tốt một số nội dung có tính cấp thiết sau:
Một là, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chuyển đổi và xây dựng QTDND Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác vững mạnh về tài chính, công nghệ; tạo điều kiện về vốn và hành lang pháp lý cho QTDND Trung ương chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của một ngân hàng đầu mối, hỗ trợ hệ thống QTDND nói riêng, thành phần kinh tế hợp tác nói chung.
Hai là, quan tâm đúng mức, tạo hành lang pháp lý để hệ thống QTDND và QTDND Trung ương phát triển thuận lợi, nhằm tạo điều kiện cho hệ thống ổn định hoạt động sau củng cố, chấn chỉnh, có điều kiện để tăng cường nguồn lực tài chính, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ... tạo nền tảng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển. Vì vậy, cần sớm ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hệ thống QTDND.
Ba là, từng bước triển khai mở rộng các hình thức dịch vụ ngân hàng trong hệ thống như: Bảo lãnh, cho vay hợp vốn, liên kết huy động, điều hòa hỗ trợ công nghệ thông tin; đồng thời từng bước hội nhập tham gia thị trường thẻ, công ty mua bán nợ, công ty chứng khoán... với các ngân hàng thương mại Nhà nước tạo tiền đề xây dựng và trực tiếp triển khai các dịch vụ này trong hệ thống QTDND, trước mắt sẽ tập trung triển khai những nội dung này ở QTDND Trung ương là đơn vị đầu mối.
Bốn là, cần nhanh chóng hình thành các thiết chế hỗ trợ chung mà trọng tâm là thành lập được Quỹ an toàn hệ thống, Quỹ dự phòng thanh toán chi trả để thực hiện nhiệm vụ ứng cứu tài chính cho các trường hợp, sự cố xảy ra trong hệ thống; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hiệp hội QTDND Việt Nam sớm ổn định cơ chế đại diện, điều phối các hoạt động trên phạm vi cả nước.
Năm là, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động và quản lý của các QTDND cơ sở đồng thời sắp xếp lại các QTDND hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài; xử lý dứt điểm những tồn đọng trong giai đoạn thí điểm, đưa hệ thống vào hoạt động ổn định, lành mạnh, đồng thời tiếp tục thành lập mới các QTDND cơ sở ở những vùng, địa bàn có đủ điều kiện phát huy thế mạnh của tổ chức tín dụng vi mô, phấn đấu đến năm 2020 có 1.700 QTDND cơ sở với tổng nguồn vốn hoạt động 120.000 tỷ đồng, QTDND Trung ương với khoảng 40 chi nhánh hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn hoạt động khoảng 90.000 tỷ đồng.

Theo Soha Thông tin

Các tin liên quan