01.02.2019 13:14

Bản Tin Kinh Tế Vĩ Mô

Kinh tế Việt Nam tháng 1/2019 tiếp tục ghi nhận một số kết quả khả quan: nhu cầu nội địa tăng mạnh và CPI vẫn được kiểm soát trước thời điểm Tết nguyên đán, FDI đăng ký, giải ngân tăng trưởng mạnh, thị trường tài chính ngân hàng diễn biến tích cực với thanh khoản ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng. 

Ngày 08/01/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019  xuống  còn  2,9%  (thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó). Sau đó hơn 10 ngày, IMF cũng hạ dự báo xuống mức 3,5%, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 10, chủ yếu do các dấu hiệu yếu đi của kinh tế châu Âu. Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng toàn cầu ảm đạm, kinh tế Mỹ vẫn được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất thế giới, mặc dù các dự báo về tăng trưởng của nước này trong năm nay chỉ ở mức khoảng 2,5% (so với mức tăng dự báo năm 2018 là 2,9%). Tuy nhiên, WB cho rằng đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ không kéo dài lâu, nhất là khi tác dụng của chương trình cắt giảm thuế, tăng chi tiêu Chính phủ suy yếu dần và Fed tiếp tục nâng lãi suất trong một môi trường chính trị tương đối bất ổn. Kinh tế châu Âu ngày càng gặp nhiều vấn đề, tăng trưởng kinh tế của Đức tiếp tục chậm lại và có dấu hiệu “mất
đà”, GDP chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ trong năm 2018 (so với mức 2,2% năm 2017), là mức tăng trưởng yếu nhất từ năm 2013. Kế hoạch Brexit nhận thất bại lịch sử tại Hạ viện Anh, biểu tình “áo vàng” tại Pháp tiếp diễn tuần thứ 10 liên tiếp là những sự kiện góp phần gia tăng rủi ro tại khu vực này. Kinh tế Nhật Bản mặc dù có sự hồi phục trong quý 4 sau ảnh hưởng của thiên tai song được dự báo sẽ chỉ tăng chưa đến 1% trong năm 2018 với chỉ số CPI giảm xuống còn 0,3% trong tháng 12/2018, chỉ số niềm tin kinh doanh trong điều tra Tankan (Điều tra Tankan là cuộc khảo sát thống kê do BoJ thực hiện hàng quý với các doanh nghiệp tư nhân (không kể định chế tài chính) có mức
vốn từ 20 triệu Yên trở lên nhằm cung cấp bức tranh về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp tại nước này) giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 quý, chi tiêu của hộ gia đình liên tục suy giảm mặc dù tiền lương tăng. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, chậm nhất trong 28 năm qua. Chính phủ nước này tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng “nhỏ giọt” do lo ngại
một gói kích cầu lớn sẽ làm gia tăng mức nợ và sự bất ổn trong nền kinh tế, cụ thể, NHTW Trung Quốc đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng 1 điểm % trong tháng 1 (tương đương bơm thêm khoảng 800 nghìn tỷ NDT(117 tỷ USD) vào nền kinh tế) và một gói giảm thuế quy mô 200 tỷ NDT (29 tỷ USD) trên diện rộng trong thời gian 3 năm cho các DN nhỏ và siêu nhỏ đã được tung  ra.

Sau thành quả kinh tế - xã hội năm 2018, kinh tế Việt Nam tháng 1/2019 tiếp tục ghi nhận một số kết quả khả quan: nhu cầu nội địa tăng mạnh và CPI vẫn được kiểm soát trước thời điểm Tết nguyên đán, FDI đăng ký, giải ngân tăng trưởng mạnh, thị trường tài chính ngân hàng diễn biến tích cực với thanh khoản ổn định, dự trữ ngoại hối tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn tháng trước, cán cân thương mại thâm hụt trở lại là một số vấn đề đáng lưu ý đối với điều hành nền kinh tế.

Bảng 1: Số liệu vĩ mô tháng 1 năm 2019

Các chỉ tiêu

TH 01/2017

TH 01/2018

TH 01/2019

Dự báo Q1/2019

CPI bình quân (%, yoy)

5,22

2,65

2,56

3-3,5

Chỉ số SXCN - IIP (%, yoy)

0,7

22,1

7,9

10

Xuất khẩu (tỷ USD)

14,3

20,2

20

53,5-54,5

Nhập khẩu (tỷ USD)

13,1

20

20,8

53-54

Cán cân thương mại (tỷ USD)

1,2

0,2

(0,8)

0,5-1

Vốn FDI đăng ký (tỷ USD)

1,65

1,26

1,9

5-6

Vốn FDI thực hiện (tỷ USD)

0,95

1,05

1,55

3,5-4,5


 Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 ước giảm 3,2% so với tháng trước dù vẫn tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn khá nhiều mức 22,1% của tháng 1/2018). Mặc dù ngành chế biến, chế tạo vẫn tăng trưởng cao nhất (10,1%) và đóng góp lớn nhất (8 điểm %) vào mức tăng chung song mức tăng và đóng góp không tích cực như cùng kỳ năm trước (tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm %), đặc biệt một số ngành chủ lực có mức tăng khá thấp. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do Tết nguyên đán rơi vào đầu tháng 2 nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ Tết sớm hơn, vào khoảng tháng 12/2018.

Tương tự các năm trước, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tăng cao trước Tết nguyên đán khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng mạnh (tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 402,2 nghìn tỷ đồng). Nếu loại trừ yếu tố giá, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức tăng 7,4% và 6,7% của cùng kỳ năm 2018 và 2017.

Theo TCTK, CPI tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1, chỉ số giá của 9/11 nhóm hàng hóa có mức tăng, trong đó, giá cả các nhóm hàng phục vụ dịp Tết nguyên đán như hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống, thuốc lá; may mặc, giày dép, mũ nón có mức tăng khá mạnh (tăng lần lượt 5,32%, 1,9% và 1,73% so cùng kỳ năm 2018). Ngược lại, chỉ số giá nhóm giao thông giảm mạnh (3,95%) sau đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 1/1/2019 và chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ (0,8%) là các nguyên nhân chính khiến mức tăng CPI tháng 1 năm nay thấp hơn cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 12/2018 và giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, đáng chú ý, xuất khẩu của khu vực FDI giảm 5,1% và của khu vực trong nước tăng 7,8% so cùng kỳ. Nguyên nhân chính dẫn đến mức giảm tổng kim ngạch xuất khẩu là do kim ngạch một số mặt hàng chế biến, chế tạo (như điện thoại, sản phẩm điện tử, máy tính, linh kiện...) và một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 3,1% so cùng kỳ năm 2018, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, tiêu dùng tăng cao vào thời điểm giáp Tết. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 1 ước thâm hụt khoảng 800 triệu USD, là mức khá lớn so với thặng dư CCTM 6,8 tỷ USD năm 2018 (số liệu sơ bộ của TCHQ), chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán làm kim ngạch nhập khẩu tăng với tốc độ cao hơn xuất khẩu. Theo thị trường, Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (nhập siêu 2,6 tỷ USD trong tháng 1) trong khi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất với kim ngạch 2 chiều khoảng 9,9 tỷ USD.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến hết 20/01/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, tăng mạnh 51,9% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,14 tỷ USD, tăng 27% và vốn góp, mua cổ phần đạt 0,76 tỷ USD, tăng mạnh 114% so tháng 1/2018. Theo lĩnh vực đầu tư, 03/18 lĩnh vực thu hút FDI nhất trong tháng 1 là công nghiệp chế biến, chế tạo (62,4% tổng vốn đăng ký); hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (9,7%) và kinh doanh bất động
sản (9,3%). Theo nhà đầu tư, Nhật Bản vẫn là nhà đầu tư lớn nhất (39,1% tổng vốn đăng ký), theo sau là Hàn Quốc (18,3%) và Trung Quốc (16,1%). Giải ngân vốn FDI tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, đạt 1,55 tỷ USD, tăng 47,6% so cùng kỳ (tăng cao hơn mức tăng trong tháng 1 của 5 năm liền trước).

Tỷ giá giao dịch xung quanh ngưỡng 23.150-23.300 VND/USD, giảm nhẹ so với tháng 12/2018. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung USD tăng nhanh từ tăng cầu chuyển đổi USD sang VND phục vụ chi trả cho Tết Nguyên đán và nguồn kiều hối về nước tăng mạnh. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2019, NHNN đã nâng giá mua vào USD lên mức 23.200 VND/USD, tăng 500 VND so với lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 8/2018 và tăng cường mua vào ngoại tệ từ các TCTD có trạng thái ngoại tệ dương góp phần cân bằng và giảm tâm lý găm giữ USD của thị trường. Động thái này giúp NHNN mua vào lượng ngoại tệ lớn, bổ sung cho dự trữ quốc gia (hơn 1,3 tỷ USD). Đồng thời, từ việc mua vào USD, nguồn cung VND gia tăng cũng góp phần giúp giảm căng thẳng thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng. Từ đó, hạn chế tình trạng lãi suất huy động tăng nhanh trên thị trường dân cư thời điểm cận Tết nguyên đán. Dự báo trong quý I/2019, tỷ giá giữ ổn định trong khoảng 23.180-23.300 VND/USD.

Lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8-1%/năm, xuống còn 3,5-4,5%/năm. Mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư ít biến động, tương đương với tháng 12/2018 chủ yếu là do NHNN đã tăng cường hỗ trợ nguồn cung thanh khoản VND qua mua vào ngoại tệ, giảm bớt áp lực đối với lãi suất VND do yếu tố chu kỳ khi nhu cầu thanh toán tiền mặt tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài hạn dao động trong khoảng 7-8,7%/năm, lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng dao động trong khoảng 5,1-5,5%/năm. Các mức lãi
suất cao hơn thường áp dụng cho chương trình riêng trong thời gian ngắn và không áp dụng với các khoản tiền gửi thông thường.

Theo thông tin từ NHNN đến cuối năm 2018, tăng trưởng tín dụng 2018 của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14%, và tiếp tục duy trì tốc độ này trong năm 2019. Đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả. NHNN đảm bảo mục tiêu tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. NHNN sẽ tiếp tục thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng để làm cơ sở thực hiện. NHNN công bố đang thẩm định thêm 7 NHTM để cho phép áp dụng Basel 2 (bên cạnh ba NHTM đầu tiên được ghi nhận triển khai
thành công Basel 2, gồm Vietcombank, VIB và OCB).

Năm 2018, VAMC đã triển khai hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường đạt 2.819 tỷ đồng giá mua nợ; mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 29.812 tỷ đồng giá mua nợ. Kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần 1/2 tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ 2013 đến nay.

Đầu tháng 1, thị trường sụt giảm nhẹ, sau đó, duy trì xu hướng tăng điểm. Cuối tháng, VNIndex dao động quanh ngưỡng 910 điểm, tăng gần 10% so với cuối năm 2018. Những thông tin từ quốc tế vẫn tiếp tục chi phối đến tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, mặc dù các kết quả kinh tế vĩ mô trong nước năm 2018 rất khả quan (tăng trưởng GDP đạt mức 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm; lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4%). Theo Nghị quyết 01/NQ-CP, trong năm 2019, công tác phát triển thị trường chứng khoán sẽ tập trung vào đẩy mạnh phát triển các thị trường phái sinh, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới; đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhờ đó, thị trường sẽ tiếp tục được bổ sung nguồn hàng hóa có chất lượng. Song, thị trường cũng có thể chịu ảnh hưởng bất lợi từ những yếu tố bên ngoài như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

 

Báo BIDV số 19

Các tin liên quan