12.12.2006 15:09

Tọa đàm và giao lưu trực tuyến tại Hải Dương với các Quỹ tín dụng nhân dân

Ngày 08/12/2006 tại Hải Dương, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam (Hiệp hội) đã phối hợp với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương - Chi nhánh Hải Dương tổ chức buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến với các QTDND của tỉnh Hải Dương và một số đầu cầu ở các tỉnh.


 
Tọa đàm và giao lưu trực tuyến tăng cường tính liên kết trong hệ thống QTDND

Tham dự buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến về phía Hiệp hội và QTDND Trung ương có ông Đỗ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội, Tổng giám đốc QTDND Trung ương, ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội, bà Hoàng Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký, Lãnh đạo và một số chuyên viên các phòng ban Hiệp hội, QTDND Trung ương; QTDND Trung ương - Chi nhánh Hải Dương có ông Nguyễn Văn Dương – Giám đốc Chi nhánh cùng toàn thể Lãnh đạo và cán bộ Chi nhánh; Giám đốc 66 QTDND cơ sở tỉnh Hải Dương.

Về khách mời tham dự có ông Trần Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ các tổ chức tín dụng hợp tác (TCTDHT) và đại diện một số Vụ, Cục Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Đại diện cho NHNN - Chi nhánh Hải Dương có ông Nguyễn Bách Thảo – Phó Giám đốc cùng một số Lãnh đạo các phòng, ban của Chi nhánh.

Tới tham dự và đưa tin về buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến có đại diện và phóng viên của Thời báo Ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng, cơ quan báo chí và truyền hình của tỉnh Hải Dương.

Phía đầu cầu các tỉnh:
- Tại Long An: Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐQT QTDND Gò Đen và các giám đốc 7 QTDND cơ sở thuộc tỉnh Long An.
- Tại Bắc Ninh: Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Chi nhánh QTDND Trung ương Bắc Ninh và các giám đốc của 21 QTDND cơ sở thuộc tỉnh Bắc Ninh.
- Tại Phú Thọ: Ông Trần Quốc Bình, Giám đốc Chi nhánh QTDND Trung ương Phú Thọ, ông Phạm Kim Dương, Giám đốc QTDND La Phù và các giám đốc 10 QTDND cơ sở thuộc tỉnh Phú Thọ.
- Tại Bình Phước: Ông Phùng Văn Mai, Giám đốc QTDND Phước Bình tỉnh Bình Phước.
- Tại Lâm Đồng: Ông Lê Văn Hạnh, Giám đốc QTDND Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
- Tại Hà Nội: Bà Trần Thị Thu Hường, Phó Tổng thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam cùng các cán bộ Hiệp hội.

Buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện nhưng thẳng thắn và chân thành. Những ý kiến phát biểu và thông tin đa chiều từ các đại biểu tham dự đã giải tỏa và xóa đi những băn khoăn của các QTDND hội viên. Tại đây, các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Đức Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội báo cáo về các hoạt động của Hiệp hội đã triển khai trong 11 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời ông Dũng cũng trình bày trước các đại biểu bản Dự thảo mẫu Quy chế Văn phòng đại diện Hiệp hội để lấy ý kiến từ phía các QTDND hội viên.
 
Các QTDND trao đổi và kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước tại buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến


Những ý kiến phát biểu của các QTDND cơ sở đề cập chủ yếu đến các nội dung sau:
a) Về Thuế:
- Mức thuế thu nhập doanh nghiệp của QTDND hiện nay nếu áp dụng theo luật sẽ cao ngang bằng với mức thuế của các loại hình doanh nghiệp khác ở mức 28% là chưa phù hợp vì mô hình QTDND là mô hình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu là tương trợ giúp nhau giữa các thành viên, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ... ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Một số địa phương đã có nhiều quan tâm đến mô hình kinh tế hợp tác xã và có chính sách ưu đãi thuế cho các QTDND như tại Thái Bình áp dụng 10%, Hải Dương 20% …. để các QTDND có điều kiện vươn lên, xây dựng, tích lũy và phát triển mạnh theo chủ trương phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước, các QTDND kiến nghị Nhà nước miễn hoặc chỉ áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.
b) Về Bảo hiểm xã hội (BHXH):
- Các QTDND chỉ được đóng BHXH từ năm 2003 là chưa thỏa đáng đối với nhiều cán bộ làm việc và cống hiến tại QTDND từ những năm trước. Hiệp hội cần kiến nghị cơ quan chức năng của Nhà nước cho phép cán bộ QTDND được tham gia BHXH từ những ngày đầu thành lập QTDND trong giai đoạn thí điểm.
c) Về Bảo hiểm tiền gửi:
- Việc niêm yết chứng nhận bảo hiểm tiền gửi và những tờ rơi tuyên truyền với những thông tin chưa đầy đủ, không tác dụng tích cực đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và khách hàng gửi tiền.
d) Về Mô hình tổ chức:
- QTDND có quy mô hoạt động từ 8 tỷ đồng trở lên phải bắt buộc áp dụng mô hình tổ chức tách riêng 2 bộ máy quản lý và điều hành làm tăng chi phí cho hoạt động của QTDND. Đề nghị NHNN quan tâm, nghiên cứu.
đ) Về đội ngũ cán bộ và đào tạo:
- Bên cạnh các khóa đào tạo trung cấp tại chức và chính quy do Hiệp hội phối hợp với Học viên Ngân hàng tổ chức, các QTDND mong muốn được tham gia vào các khóa đào tạo đại học tại chức của Học viên Ngân hàng để có điều kiện nâng cao hơn nữa trình độ cán bộ làm việc tại QTDND.
- Các QTDND ở phía Nam mong muốn Hiệp hội sớm tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng ở miền Nam
.
e) Về phần mềm tin học BMS-PCFs:
- Cần sớm triển khai việc nhân rộng phần mềm cho các QTDND.
- Phần mềm cần bổ sung thêm phần hạch toán theo dự thu, dự chi cuối năm để QTDND thực hiện quyết toán theo đúng quy định của pháp luật.
f) Về tăng cường nguồn vốn cho QTDND:
- Các QTDND mong muốn được tiếp cận nguồn vốn dồi dào khi cần thiết, đặc biệt nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi.

 
Hiệp hội và các QTDND hội viên cùng trao đổi để hiểu nhau và hỗ trợ nhau hoạt động tốt hơn.

Nhìn chung, các QTDND đều ghi nhận những kết quả bước đầu Hiệp hội đã triển khai cho hội viên như việc ký thỏa ước đào tạo với Học viện ngân hàng, khai trương trang Web Hiệp hội, tham gia ý kiến vào các văn bản dự thảo của Nhà nước, tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ QTDND, giải đáp, tư vấn cho các QTDND ... Chương trình hành động gồm 11 điểm của Cơ quan Thường trực Hiệp hội do ông Nguyễn Đức Dũng trình bày đã đáp ứng được kỳ vọng của các QTDND hội viên. Các đại biểu cho rằng những việc làm của Hiệp hội đang đi đúng hướng với những nỗ lực và quyết tâm đáng ghi nhận. Nội dung thiết lập Quỹ an toàn hệ thống được các QTDND đặc biệt quan tâm và ủng hộ. Sau khi đã trao đổi và nắm bắt được đầy đủ thông tin về hoạt động triển khai của Hiệp hội, các đại biểu kêu gọi các QTDND cơ sở nào còn do dự và đứng ngoài thì cần đăng ký tham gia hội viên Hiệp hội ngay để cùng xây dựng Hiệp hội và hệ thống QTDND lớn mạnh. Các đại biểu tại các đầu cầu phía Nam kiến nghị Hiệp hội sớm mở Văn phòng đại diện phía Nam
để có điều kiện hỗ trợ các QTDND ở khu vực này tốt hơn.
 
 
Sau buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến,các QTDND cơ sở tỉnh Hải Dương đã được cung cấp đầy đủ thông tin và hiểu rõ hơn về vai trò của Hiệp hội


Ông Trần Quang Khánh đại diện cho phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Đỗ Mạnh Hùng và Nguyễn Đức Dũng thay mặt cho Hiệp hội đã lắng nghe các ý kiến từ phía các QTDND, trao đổi, trả lời, và giải đáp những thắc mắc, đồng thời tiếp thu một số kiến nghị của QTDND hội viên để Hiệp hội tiếp tục xử lý trong vai trò đại diện quyền lợi cho hệ thống. Ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị các QTDND cùng đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo mẫu về Quy chế Văn phòng đại diện Hiệp hội và gửi cho Hiệp hội (xem và tải về từ Website của Hiệp hội).

Đại diện cho Chi nhánh NHNN Hải Dương, ông Nguyễn Bách Thảo đánh giá cao buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến do Hiệp hội phối hợp với Chi nhánh QTDND Trung ương Hải Dương tổ chức. Nếu Hiệp hội tổ chức sớm buổi Tọa đàm này thì chắc chắn tất cả các QTDND cơ sở của tỉnh Hải Dương có đầy đủ thông tin và hiểu rõ hơn vai trò của Hiệp hội. Ông Thảo rất tin tưởng sau buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến này, 100% các QTDND cơ sở của tỉnh Hải Dương sẽ tham gia hội viên Hiệp hội.

Kết thúc buổi Tọa đàm và giao lưu trực tuyến, ông Đỗ Mạnh Hùng đã cám ơn Chi nhánh QTDND Trung ương về sự đăng cai tổ chức, sự tham dự của các vị khách mời, sự tham gia tích cực của các QTDND cơ sở tỉnh Hải Dương, Chi nhánh QTDND Trung ương và các QTDND cơ sở tại các đầu cầu và chúc cho sự hợp tác giữa Hiệp hội và các QTDND hội viên ngày càng phát triển tạo thành một hệ thống liên kết QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững./.

Bùi Chính Hưng

Các tin liên quan