07.10.2009 13:34

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu phát biểu khai mạc và chủ toạ Hội nghị thường niên IMF/WB năm 2009

Vào hồi 10h00 sáng (giờ địa phương), tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã chính thức khai mạc và chủ toạ Hội nghị thường niên năm 2009 của Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (WB/IMF).

Tham dự Hội nghị Thường niên của WB/IMF năm nay có Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng của 186 nước hội viên WB/IMF, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính của các quốc gia. Thủ tướng Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Ngài Recep Tayyip Erdogan đã tham dự và phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội nghị.

Hội nghị thường niên WB/IMF lần này được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã trải qua một năm đầy thách thức, kèm theo những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế và tài chính trải rộng trên quy mô toàn cầu. Chính phủ các nước đã phải áp dụng các biện pháp chính sách chưa từng có để chống đỡ với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính cũng như suy giảm kinh tế toàn cầu. Song song với những nỗ lực của bản thân các quốc gia, vai trò điều phối chính sách và hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF vv… đã và đang phát huy hiệu quả và nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên suy thoái kinh tế toàn cầu chưa hẳn đã kết thúc và rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, vì vậy các quốc gia hiện đang hết sức thận trọng trong việc triển khai các biện pháp chính sách của mình và vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng được tăng cường và củng cố.

Trong bối cảnh đó, bài phát biểu khai mạc của Thống đốc NHNN với tư cách chủ toạ Hội nghị đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của IMF trong việc điều phối chính sách ứng phó với tác động của khủng hoảng và suy giảm kinh tế của các quốc gia cũng như những nỗ lực của WB trong việc giảm nhẹ tác động tiêu cực với người dân nghèo trên toàn thế giới.

Cụ thể, trong bài phát biểu, Thống đốc NHNN đã ghi nhận những sáng kiến của WB trong việc thành lập và triển khai các quĩ/chương trình nhằm huy động các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các quốc gia thành viên đối phó với tác động của cuộc khủng hoảng và suy giảm kinh tế thông qua các dự án xoá đói giảm nghèo và thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển khu vực tư nhân. Với những sáng kiến này, WB đã bổ sung thêm nguồn vốn thực hiện các cam kết ở mức kỷ lục từ trước tới nay là 58,8 tỷ USD trong tài khoá vừa qua. Ngoài ra, Thống đốc NHNN cũng điểm lại vai trò nổi bật của WB trong việc tăng cường các nỗ lực chung để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy thương mại quốc tế, chống bảo hộ mậu dịch và kêu gọi các quốc gia sớm kết thúc vòng đàm phán Doha.

Đối với IMF, Thống đốc NHNN đánh giá cao vai trò của tổ chức này trong việc kêu gọi và triển khai gói kích thích kinh tế tương đương 2% GDP toàn cầu, điều phối các chính sách vĩ mô trên bình diện toàn cầu, khắc phục những yếu kém của hệ thống tài chính quốc tế trong thời gian vừa qua. Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của IMF trong việc phối hợp và hỗ trợ các quốc gia thành viên thiết kế các biện pháp chính sách hậu khủng hoảng. Đặc biệt, Thống đốc NHNN đã ghi nhận những nỗ lực kịp thời của IMF trong việc đẩy mạnh cho vay phòng ngừa, trong đó tập trung tăng cho vay ưu đãi những nước nghèo, thu nhập thấp; cải cách khuôn khổ cho vay để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo hướng nâng hạn mức vay, đổi mới thể thức cho vay phù hợp với nhu cầu đa dạng của nước hội viên, áp dụng điều kiện vay đơn giản hóa và có trọng tâm, mềm dẻo hơn, cho phép các mức chi tiêu cao hơn vì người nghèo; tăng cường giám sát, phân tích, dự báo và tư vấn chính sách toàn cầu; khởi xướng việc đổi mới cấu trúc tài chính quốc tế để ngăn ngừa khủng hoảng tương lai; và đẩy mạnh cải cách về quản trị IMF, trong đó trọng tâm là cải cách cổ phần và tiếng nói, tăng cường vai trò của các quốc gia đang phát triển.

Cũng trong phần phát biểu khai mạc Hội nghị của mình, Thống đốc NHNN đã điểm lại những thành quả của Việt nam, cộng đồng ASEAN và khu vực Châu Á Thái bình dương đã đạt được trong vài thập kỷ vừa qua. Đặc biệt, Thống đốc NHNN đã khẳng định sự tin tưởng vào khả năng của khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ vượt qua khủng hoảng và suy thoái kinh tế, thông qua các nỗ lực tăng cường hợp tác trong nội khối ASEAN cũng như giữa ASEAN và các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU và Mỹ. Đối với Việt Nam, nhân dịp này Thống đốc NHNN đã thông báo tới toàn thể Hội nghị về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được thông qua các chính sách toàn diện, phù hợp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là các biện pháp chính sách để đối phó với khủng hoảng và suy giảm kinh tế trong thời gian vừa qua, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Trong phần kết thúc diễn văn khai mạc, một lần nữa, Thống đốc NHNN đề cao vai trò lãnh đạo của WB và IMF trong thời gian tới và kêu gọi các tổ chức này tiếp tục các nỗ lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế hợp tác toàn cầu để phòng ngừa tái diễn khủng hoảng trong tương lai.
Theo Ngân hàng Nhà nước

Các tin liên quan