27.09.2006 12:37

Tác động của việc gia nhập WTO đối với ngành dịch vụ tài chính Việt Nam

Nhân dịp Việt Nam mới kết thúc đàm phán WTO Việt – Mỹ, bài viết này bàn về một số ảnh hưởng sẽ có của việc gia nhập WTO đối với ngành dịch vụ tài chính, một trong những khu vực kinh tế mà Việt Nam sẽ phải mở cửa cho cạnh tranh nước ngoài, sai một vài năm kể từ thời điểm ta chính thức gia nhập WTO.
 
QTDND Mỹ Bình cung cấp dịch vụ chuyển tiền, chủ động chuẩn bị hành trang khi Việt Nam gia nhập WTO.
Cụ thể, trong ngành Ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài sẽ được phép cung cấp các dịch vụ ngân hàng bằng tiền đồng (VND) và các quy định hạn chế (về địa bàn, lĩnh vực, đối tượng khách hàng…) trong các giao dịch với các công ty và cá nhân trong nước sẽ dần phải bị bãi bỏ. Trong ngành Bảo hiểm, ta sẽ phải cấp phép cho nhiều công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia thị trường, bỏ các hạn chế về địa bàn được phép kinh doanh, và cho phép họ được cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hưu trí, sức khỏe, bảo hiểm trọn gói… Trong lĩnh vực quản lý tài sản và kinh doanh chứng khoán, các công ty nước ngoài sẽ được phép tham gia vào các quỹ quản lý tài sản (đầu tư đa phương).
 
Đổi lại những cam kết này (kèm theo là sự phá sản hay kinh doanh thua lỗ của một số doanh nghiệp bản địa), Việt Nam sẽ thu được ba cái lợi lớn. Thứ nhất, sẽ có thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho ngành dịch vụ tài chính mang lại bởi hiệu ứng tích cực của việc gia nhập WTO lên tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, sự phát triển theo chiều sâu của thị trường tài chính sẽ được thúc đẩy hơn nữa nhờ quá trình cải cách tài chính được tăng cường hơn, cạnh tranh giữa các tổ chức kinh doanh gay gắt hơn, và sự ra đời của một loạt sản phẩm tài chính mới trong khuôn khổ quy định của WTO. Thứ ba, các tổ chức tài chính nước ngoài khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam còn mang theo những thông tin quý báu về thị trường nước ngoài, kinh nghiệm quản lí, kiến thức và công nghệ tài chính hiện đại mà các tổ chức tài chính trong nước có thể học hỏi, áp dụng, thông qua các hiệu ứng lan truyền.
 
Việc có thêm nhiều cơ hội kinh doanh và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ sẽ tạo ra một động lực to lớn cho cải cách và đổi mới ở các tổ chức tài chính - ngân hàng trong nước trước đòi hỏi sinh tồn cấp thiết. Một số trong những cải cách và đổi mới này là việc thành lập các công ty quản lý tài sản để quản lý các khoản nợ xấu để lại từ thời cho vay theo chính sách, là việc áp dụng hoàn chỉnh các chính sách tín dụng dựa thuần túy trên các nguyên tắc thương mại và thị trường, là sự hoàn thiện công tác kế toán, kiểm toán. Ngoài ra, sự cạnh tranh và mở rộng thị trường tài chính cũng sẽ có những ảnh hưởng to lớn lên nền tảng văn hóa và quản trị của các tổ chức tài chính và ngân hàng theo hướng minh bạch hơn, đáng tin cậy hơn, đặc biệt khi những tổ chức này sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh, các tổ chức này cũng sẽ phải ra sức tinh giản biên chế, sa thải lao động phổ thông nhưng đồng thời tuyển mộ thêm nhân viên giỏi, bao gồm du học sinh nước ngoài, và chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức. Họ cũng sẽ phải có những chiến lược kinh doanh và ứng dụng tin học rõ ràng hơn, dẫn theo đó là nhu cầu sáp nhập hoặc mua đứt đối thủ để hợp lý hóa và khai thác tối ưu mạng lưới chi nhánh, tăng cường năng lực cạnh tranh nhờ có quy mô kinh doanh lớn hơn.
 
Trên thực tế, kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước có nền kinh tế chuyển đổi khi gia nhập WTO cho thấy nỗi quan ngại về việc phá sản của một loạt tổ chức tài chính trong nước là không có cơ sở. Chính áp lực từ tự do hóa đã buộc các tổ chức tài chính trong nước phải cải tổ để nâng cao hiệu quả kinh doanh theo những phương hướng nêu trên. Và các số liệu thống kê cũng cho thấy, thời điểm gia nhập WTO chính là thời điểm có tỷ lệ nhân công bị sa thải và số vụ sáp nhập hoặc mua đứt lớn nhất. Sau quá trình cải tổ này, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính trong nước được nâng cao đáng kể, giúp họ đủ sức đương đầu với sự xâm nhập của các tổ chức tài chính nước ngoài. ở khía cạnh này, ta có thể nói rằng, chính áp lực từ tự do hóa lại làm nản lòng các đối tác nước ngoài khi thấy thị trường trong nước không còn “ngon ăn” nữa do mức độ cạnh tranh đã trở nên khốc liệt hơn.
 
Ở góc độ quản lí nhà nước, việc thực thi các quy chế tiêu chuẩn của WTO của các cơ quan quản lí hữu trách sẽ góp phần hoàn thiện và nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật trong ngành. Yếu tố này, cùng với việc chất lượng của các dịch vụ tài chính được nâng cao do mức độ cạnh tranh gay gắt hơn, sẽ làm tăng tính hấp dẫn của nền kinh tế bản địa và do đó, thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài hơn. Thêm nữa, sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam sẽ khuyến khích các khách hàng truyền thống của họ đầu tư vào Việt Nam, do được những ngân hàng này cung cấp các thông tin và dịch vụ tư vấn đầu tư thích hợp. Khái quát hóa, khu vực tài chính lành mạnh và hấp dẫn sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Tuy vậy, cần lưu ý rằng, tự do hóa khu vực tài chính cũng đồng nghĩa với việc cho phép các luồng vốn đầu tư gián tiếp, có kỳ hạn ngắn tự do chảy ra và chảy vào Việt Nam. Cũng cần nhắc lại là chính sự tự do dịch chuyển của những luồng vốn đầu tư gián tiếp, ngắn hạn này qua biên giới các quốc gia đã gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia và khu vực trên khắp thế giới trong các thập kỷ qua. Vì thế, sau khi mở cửa thị trường tài chính, những luồng vốn này một mặt sẽ là một nguồn đóng góp vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác sẽ là một nguy cơ tiềm tàng cho các bất ổn và suy thoái kinh tế vĩ mô. Nhưng kinh nghiệm của thế giới với các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy nguy cơ này có thể ngăn chặn bằng các biện pháp quản lí tài khoản vốn thích hợp. Một số trong các biện pháp này là tăng cường sự giám sát chặt chẽ các tổ chức tài chính, ngân hàng (trong các vấn đề như trạng thái ngoại hối, tỷ trọng vốn tự có bắt buộc theo quy định, tỷ trọng các tài sản có khả năng thanh khoản, và tỷ trọng các khoản vốn tín dụng cấp cho một khách hàng), và giám sát thị trường ngoại hối (ví dụ về việc báo cáo kinh doanh ngoại hối). Tóm lại, thực thi các biện pháp giám sát chặt chẽ, tăng cường cạnh tranh trong hệ thống tài chính trong nước trong khuôn khổ WTO, và tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lí các rủi ro liên quan đến sự biến động mạnh của các luồng vốn ngắn hạn sẽ là những biện pháp hữu hiệu nhất để củng cố “sức khỏe” của hệ thống tài chính, đủ sức chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
 
Như vậy, có thể nói rằng, mở cửa thị trường trong nước nói chung và thị trường tài chính nói riêng sẽ mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội hơn là mất mát, ít nhất xét trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Nhưng để có được điều này thì các tổ chức tài chính trong nước, thay vì thụ động ngồi chờ đợi thời điểm Việt Nam phải mở toang cánh cửa bảo hộ trong ngành tài chính và sẽ bị cơn lũ cạnh tranh từ các tổ chức nước ngoài cuốn phăng đi, phải chủ động hành động sớm ngay từ bây giờ khi còn chưa phải là quá muộn. Đây là một lựa chọn duy nhất vì thực tiễn cho thấy để học hỏi và kịp chuyển mình theo kịp xu thế thì cần phải có thời gian tối thiểu dăm năm, nếu không muốn nói là dài hơn, đến hàng thập kỷ. Nếu chờ đến khi các tổ chức nước ngoài rục rịch xâm nhập vào thị trường bỏ ngỏ trong nước rồi mới tiến hành cải cách, nâng cấp thì đây cũng chỉ là những phản ứng vô vọng mà thôi. Về phần mình, các cơ quan quản lí hữu trách cần phải thực thi triệt để ngay các biện pháp cải cách như cổ phần hóa và tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc doanh; áp dụng các tiêu chuẩn giám sát quốc tế, nâng cao năng lực kiểm tra và giám sát; cải cách pháp lí, xây dựng các quy định mới và rà soát các quy định hiện hành theo các nguyên tắc của WTO; có những bước chuẩn bị tiến đến tự do hóa tài khoản vốn, và tự do hóa chuyển đổi VND. Đây cũng là những việc cấp bách, không cho phép bất cứ sự chần chừ, thỏa hiệp nào.

Theo Tạp chí Ngân Hàng

 



 

Các tin liên quan