25.07.2006 14:54

Quy chế bảo lãnh mới thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng

Với mức tăng trưởng trung bình 20%/ năm, tổng dư nợ  nghiệp vụ bảo lãnh của 10 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn vào khoảng 43 ngàn tỷ đồng. Không "ồn ào" như cuộc đua lãi suất nhưng "cuộc chiến " giành thị phần bảo lãnh giữa các NHTM đang ngày một quyết liệt. Vì thế Quy chế bảo lãnh mới, vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành được các NHTM rất quan tâm.
 
Chất lượng dịch vụ là yếu tố quyết định thành công của mỗi ngân hàng
Việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký được hợp đồng bảo lãnh trọn gói cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho hai tổng  công ty lớn là Vinashin với hạn mức tín dụng lên đến 1.200 tỷ đồng và làm đầu mối cho các dự án đồng tài trợ là 2.000 tỷ đồng;  và Vinamotor: hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng và hạn mức bảo lãnh 200 tỷ đồng, đã khiến không ít đối thủ cạnh tranh mất ăn, mất ngủ. Dịch vụ bảo lãnh đang dần trở thành nguồn thu đáng kể trong hoạt động kinh doanh của các NHTM. Quy chế bảo lãnh mới đã tạo thêm nhiều cơ hội phát triển dịch vụ của NHTM.
Trước hết, về các loại hình bảo lãnh. Quy chế mới chính thức công nhận thêm hai loại hình bảo lãnh: "Bảo lãnh đối ứng" và "Xác nhận bảo lãnh". Thực tế tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, các NHTM rất linh hoạt trong việc phát hành các loại hình bảo lãnh. Ví dụ, Ngân hàng Á châu (ACB) ngoài các loại hình bảo lãnh truyền thống, họ còn phát hành cả bảo lãnh thanh toán thuế.
Vấn  đề được quan tâm nhất trong Quy chế bảo lãnh là giới hạn bảo lãnh. Không như sự mong đợi của các NHTM, giới hạn bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với một khách hàng vẫn được quy định ở mức 15 % vốn tự có của tổ chức tín dụng. Trong đó, bao gồm cả các cam kết phát hành theo hình thức tín dụng chứng từ; trừ hình thức mở thư tín dụng trả ngay được khách hàng ký quỹ đủ hoặc được cho vay 100% giá trị thanh toán. Quy định này chắc chắn sẽ chấm dứt sự "băn khoăn" có phải là lách luật hay không của NHTM trước mỗi quyết định phát hành thư tín dụng L/C. Vì thực tế L/C cũng là một loại hình bảo lãnh nhưng lại không được nhắc đến trong Quy chế bảo lãnh cũ.
Về điều kiện bảo lãnh. Không bó hẹp trong các điều kiện cụ thể như quy định 283 (Quy chế Bảo lãnh ban hành năm 2000) mà các tổ chức tín dụng chỉ cần đáp ứng những yêu  cầu về pháp lý và đủ năng lực tài chính cho hoạt động bảo lãnh là được phép phát hành bảo lãnh. Tuy nhiên, quy chế mới cũng yêu cầu: trong trường hợp khoản bảo lãnh liên quan đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối của Việt Nam. Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cho rằng, quy định này sẽ làm hạn chế hoạt động bảo lãnh của họ, nhất là khi  phải cạnh tranh với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang có mặt ngày càng nhiều ở Việt Nam. Song đứng trên góc độ nhà quản lý, NHNN cho rằng quy định như vậy nhằm thống nhất quản lý. Và không có cớ gì để Quy chế bảo lãnh có những quy định trái với Pháp lệnh Ngoại hối vừa ban hành.
Một trong những điểm nổi bật của Quy chế mới là quy định về phí bảo lãnh. Nếu trước đây phí bảo lãnh được quy định trong một khung bất di bất dịch; thậm chí trường hợp khách hàng chậm thanh toán phí bảo lãnh sẽ bị phạt lãi suất. Nay quy chế mới cho phép các bên tham gia tự thoả thuận về mức phí đối với mỗi khoản bảo lãnh. Quy định này rất phù hợp với điều kiện kinh doanh hiện nay và làm tăng tính cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước cũng cảnh báo: Nếu các NHTM chạy đua trong việc giảm phí dịch vụ mà không xem xét kỹ khả năng thực hiện hợp đồng của khách hàng thì có nghĩa họ đang chấp nhận rủi ro lớn hơn.
 
(Theo Thời báo Ngân hàng)

Các tin liên quan