17.11.2006 17:08

Quỹ an toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân - Đòi hỏi từ thực tiễn hoạt động

Sự cần thiết khách quan phải thành lập Quỹ An toàn hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân
Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) là một loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) hợp tác, được Chính phủ cho phép thành lập từ năm 1993 nhằm góp phần đa dạng hoá loại hình TCTD hoạt động trên địa bàn nông thôn, tạo lập một mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng có sự liên kết chặt chẽ vì lợi ích của thành viên QTDND, góp phần xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn…Đây thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn.

Là một loại hình TCTD nên trong quá trình hoạt động QTDND cũng sẽ gặp phải những rủi ro phổ biến của một TCTD, như: rủi ro thanh toán, rủi ro tín dụng, rủi ro lói suất, rủi ro đạo đức, tài sản,…Tuy nhiên, so với các loại hình TCTD khác, QTDND thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, đổ vỡ hơn  bởi những đặc thù riêng biệt của hệ thống này, đó là:

- QTDND hoạt động chủ yếu là huy động vốn để cho vay đối với các thành viên ở các khu vực nông nghiệp, nông thôn là nơi mặt bằng kinh tế, trình độ còn thấp, sản xuất, kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro (do phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như thời vụ, thiên tai, giá cả...); Trong khi đó quy mô hoạt động, năng lực tài chính của  các QTDND thường nhỏ bé, trình độ quản lý, nhận thức của đội ngũ cán bộ và nhân viên còn hạn chế, bất cập.

- Cơ sở vật chất nhìn chung còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ khó đảm bảo các điều kiện về an toàn kho quỹ, giao thông, liên lạc không thuận lợi gây khó khăn cho hoạt động.

- QTDND không có được một số lợi thế như các Ngân hàng thương mại, đó là: được tham gia thị trường vốn, thị trường liên ngân hàng, được Ngân hàng Nhà nước cho vay tái cấp vốn…

- Các QTDND là các pháp nhân độc lập về kinh tế, hoạt động riêng lẻ trên địa bàn nhiều vùng khác nhau nhưng lại có cùng một tên gọi, chung một biểu tượng, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động kinh doanh, đồng thời khả năng “miễn dịch”, tự bảo vệ của mỗi QTDND còn rất hạn chế. Vì vậy, khi một QTDND gặp khó khăn thì khả năng lây lan sang các QTDND khác trong hệ thống là rất cao, nếu không có giải pháp xử lý kịp thời thì nguy cơ đổ vỡ dây truyền trong hệ thống là khó tránh khỏi.

Trước thực tiễn phát triển của hệ thống QTDND cũng như những thách thức, khó khăn mà hệ thống này phải đối mặt trong quá trình hoạt động, việc tạo lập ra một môi trường hoạt động an toàn và ổn định cho các QTDND là hết sức cần thiết. Để làm được điều này, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó Quỹ An toàn hệ thống QTDND (Quỹ ATHT) có thể coi là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ lan truyền của loại hình tín dụng hợp tác này.

Quỹ ATHT do các QTDND góp vốn thành lập, mang tính tương hỗ nghề nghiệp, bảo đảm an toàn cho hoạt động của các QTDND, bảo đảm được quyền lợi cho thành viên và gián tiếp bảo đảm được quyền lợi cho người gửi tiền (tiền gửi của khách hàng- kể cả tiền gửi của các tổ chức nhờ đó sẽ được bảo hiểm 100%).

Với mục tiêu trên, hoạt động của Quỹ ATHT sẽ góp phần giữ gìn uy tín của QTDND, củng cố lòng tin của khách hàng gửi tiền và của thành viên đối với QTDND. Sự ứng cứu  kịp thời của Quỹ ATHT sẽ hỗ trợ cho các Quỹ TDND khắc phục vượt qua tình trạng khó khăn về tài chính, làm yên lòng các thành viên và người dân gửi tiền, không gây tâm lý hoang mang đổ xô đến rút tiền làm cho QTDND có nguy cơ đổ vỡ, ngăn chặn sự đổ vỡ lây lan trong hệ thống. Mặt khác việc thành lập và duy trì Quỹ ATHT cũng thể hiện tinh thần, nguyên tắc: tự chủ, tự nguyện, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các QTDND; đồng thời góp phần hoàn thiện mô hình liên kết phát triển hệ thống nhằm đảm bảo cho từng QTDND cũng như cả hệ thống phát triển an toàn và bền vững. Vì vậy, có thể nói việc thiết lập Quỹ ATHT hệ thống QTDND là việc làm hết sức cấp thiết và phù hợp với định hướng chiến lược phát triển mô hình QTDND trong hệ thống các TCTD Việt Nam.

Tình hình triển khai thí điểm thành lập Quỹ An toan hệ thống

Ở nước ta, tỉnh được phép triển khai thí điểm thành lập Quỹ ATHT đầu tiên là Thái Bình, một trong 14 tỉnh được chọn thí điểm thành lập QTDND đợt đầu và là tỉnh hiện nay có số lượng QTDND lớn nhất trên toàn quốc (77 QTDND cơ sở và 1 chi nhánh QTDND Trung ương).

Ngày 21/9/2004, Thống đốc NHNN đó có công văn số 1069/NHNN-TDHT  cho phép triển khai Đề án thí điểm thành lập Quỹ An toàn hệ thống QTDND tỉnh Thái bình. Tháng 11/2004, Quỹ ATHT tỉnh Thái Bình đã chính thức đi vào hoạt động. Đến nay sau gần 2 năm hoạt động, với số vốn khiêm tốn gần 1 tỷ đồng do các  QTDND cơ sở đóng góp (phí đóng góp cho Quỹ ATHT là 0,08 % /năm trên số dư nợ cho vay bình quân)  và QTDTW hỗ trợ 500.000.000 đồng, Quỹ ATHT đã trợ giúp QTDND Nam Hải khắc phục khó khăn do thiếu khả năng chi trả tạm thời và trợ giúp 3 QTDND (Duyên Hải, Vũ Thắng, Song Lãng) giải quyết khó khăn tài chính củng cố trở lại hoạt động bình thường, tránh được nguy cơ giải thể. Với kết quả ban đầu tuy còn khiêm tốn, nhưng Quỹ ATHT tại Thái Bình đã thực sự tạo ra mối liên kết giữa các QTDND cơ sở trên địa bàn, tạo được lòng tin của nhân dân đối với hoạt động của từng QTDND cũng như của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình , giúp các QTDND tại đây ngày một tăng trưởng và phát triển an toàn hơn. Qua đó có thể khẳng định chủ trương thành lập Quỹ an toàn hệ thống QTDND trên phạm vi toàn quốc là cần thiết và phù hợp với lộ trình hoàn thiện mô hình QTDND đã được Ban lãnh đạo NHNN chấp thuận.

 
"...Quỹ An toàn hệ thống QTDND là công cụ hữu hiệu thiết lập mối liên kết nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND".

Với những kết quả còn khiêm tốn nhưng rất đáng khích lệ, ngày 27/06/2006, NHNN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết thí điểm thành lập Quỹ ATHT  tại tỉnh Thái Bình do Phó  Thống  đốc  thường  trực Trần Minh Tuấn chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện của UBND tỉnh Thái Bình, Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số đơn vị có liên quan của NHNN Trung ương (Vụ Các tổ chức Tín dụng hợp tác, Vụ Pháp chế, Vụ Tín Dụng, Vụ Chính sách tiền tệ, Thanh tra Ngân hàng), Chi nhánh NHNN tỉnh Thái Bình, Hưng yên, An Giang, Hiệp hội QTDND, Quỹ TDTW và các QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Cuối buổi Hội nghị, PTĐ Trần Minh Tuấn đã kết luận chỉ đạo như sau: “Việc thành lập Quỹ ATHT QTDND là phù hợp với định hướng chiến lược về hoàn thiện mô hình hoạt động QTDND, là công cụ hữu hiệu thiết lập mối liên kết giữa các QTDND nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động của hệ thống QTDND...”.
 
Từ kết quả bước đầu, sau Hội nghị sơ kết Quỹ ATHT tại tỉnh Thái Bình, Ban lãnh đạo NHNN đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan như sau:

- Giao NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình tiếp tục phối hợp với QTDTW nghiên cứu hoàn thiện Qui chế quản lý và sử dụng  Quỹ ATHT QTDND để thống nhất thực hiện, trong đó cần tập trung làm rõ các tiêu chí sử dụng sự hỗ trợ của Quỹ ATHT.

- Giao Vụ Các TCTD hợp tác từ kinh nghiệm triển khai Quỹ ATHT tỉnh Thái Bình, tiếp tục chỉ đạo NHNN Chi nhánh 02 tỉnh Hưng Yên và An Giang phối hợp với QTDTW triển khai mở rộng thí điểm thành lập Quỹ ATHT QTDND tại 2 tỉnh Hưng Yên và An Giang. (NHNN đó có công văn số 7801/NHNN-TDHT ngày 12/9/2006 thông báo và chỉ đạo việc này).

- Giao Vụ Các TCTD hợp tác phối hợp với Hiệp hội QTDND Việt Nam, QTDTW và các Vụ Cục có liên quan của NHNN tiến hành xây dựng Đề án Quỹ ATHT QTDND để triển khai trên phạm vi toàn quốc; đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu tham mưu cho Thống đốc NHNN ban hành Quy chế lập và sử dụng nguồn dự phòng khả năng chi trả của hệ thống QTDND nhằm đảm bảo cho hệ thống QTDND phát triển an toàn và bền vững.

Quỹ  ATHT là một hình thức liên kết giữa các QTDND trên tinh thần hợp tác, tương trợ nhằm giúp đỡ các QTDND khi gặp khó khăn bên cạnh vai trò của Bảo hiểm tiền gửi, hoạt động của Quỹ ATHT góp phần giữ ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống QTDND. Việc thành lập Quỹ ATHT là phù hợp với định hướng chiến lược của Đảng về củng cố và hoàn thiện mô hình hoạt động của hệ thống QTDND, qui định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp luật có liên quan; là công cụ hữu hiệu thiết lập mối liên kết giữa các QTDND nhằm bảo đảm an toàn tổ chức cho hoạt động của hệ thống QTDND. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện thành công chủ trương này, việc thành lập Quỹ ATHT trong phạm vi cả nước cần phải thực hiện dần từng bước: thí điểm tại một số địa phương, rút kinh nghiệm rồi sẽ triển khai nhân rộng ./.

Kim Thanh

Các tin liên quan