Từ ngày 01/01/2006, Bộ luật Dân sự (được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005) đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ hợp đồng tín dụng cũng chịu sự điều chỉnh của bộ luật này. Tuy nhiên, những quy định chi tiết về lãi suất cho vay, trên thực tế, đã và đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động tín dụng ngân hàng.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 476 của BLDS 2005, lãi suất vay trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm cả các hợp đồng tín dụng do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Như vậy, ở thời điểm hiện nay, khi lãi suất cơ bản là 8,25%/năm thì các hợp đồng tín dụng giữa TCTD và khách hàng có mức lãi suất trên 12,37%/năm sẽ bị coi là phạm luật. Điều đáng lưu ý là, trong thời gian gần đây, mức lãi suất cho vay từ 12%-13%/năm không thể coi là cao trong khi lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 1 năm của không ít TCTD đã lên trên 9%/năm.
Theo ông Lê Đắc Sơn-Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPBank), việc áp dụng quy định trên trong các giao dịch cho vay bên ngoài ngân hàng có thể góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong xã hội, song thực tế áp dụng vào lĩnh vực ngân hàng lại làm nảy sinh nhiều bất cập. Còn theo ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Ban tín dụng-Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thì lãi suất cho vay của các TCTD đối với khách hàng trong thời gian vừa qua thường cao hơn lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Chính vì vậy, mặc dù lãi suất cho vay thông thường không vượt quá 150% lãi suất cơ bản nhưng nếu TCTD quy định lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay như lâu nay vẫn làm thì trong nhiều trường hợp sẽ vướng ngay vào điều 476 của BLDS 2005. Còn nếu quy định lãi suất đối với nợ quá hạn thấp hơn để đảm bảo không vượt khung "150% lãi suất cơ bản" thì mức lãi suất phạt này lại chẳng còn mấy ý nghĩa.
 |
Lãi suất cho vay của QTDND tuy có nhỉnh hơn các NHTM, nhưng thấp hơn nhiều so với thị trường chợ đen đã mở đường cho các thành viên tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần xóa đói giảm nghèo và đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn. |
Một cán bộ quản lý tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, thời hạn vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay… và chịu sự tác động của hoạt động cạnh tranh trên thị trường tín dụng ngân hàng. Chính vì vậy, ông này cho rằng không nên áp đặt mức "trần" lãi suất cho vay đối với các ngân hàng thương mại và cần phải xem xét sửa đổi Điều 476 của BLDS 2005.
Ông Nguyễn Thành Long, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế-NHNN phân tích: Thực tiễn hoạt động tín dụng cho thấy các TCTD thường xác định mức lãi suất cho vay khác nhau đối với từng loại khách hàng khác nhau. Do vậy, việc khống chế mức "lãi suất trần" cho vay của TCTD là không cần thiết và không phù hợp với chủ trương tự do hoá lãi suất đã được các TCTD và khách hàng thực hiện từ 1/6/2002 theo nguyên tắc tự thoả thuận lãi suất trên cơ sở cung-cầu vốn trên thị trường. Theo các chuyên gia pháp chế của NHNN, để giải quyết bất cập trên, về lâu dài, việc sửa đổi Điều 476 của BLDS 2005 theo hướng không áp dụng quy định này đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, khi BLDS 2005 chưa được sửa đổi, lãi suất cơ bản cần phải được điều chỉnh sát với lãi suất cho vay bình quân trên thị trường tín dụng ngân hàng.