Nhận cầm cố tài sản là sổ tiết kiệm, trái phiếu, tiền, ngoại tệ, vàng luôn được tổ chức tín dụng đánh giá là có độ an toàn cao do tổ chức tín dụng có thể nhanh chóng xử lý tài sản cầm cố, ưu tiên thu nợ trước các chủ nợ khác. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật dân sự 2005 được ban hành, quyền ưu tiên của tổ chức tín dụng khi nhận cầm cố tài sản kể cả các loại tài sản kể trên có thể không được bảo đảm.
Theo qui định của Bộ luật dân sự năm 1995 trước đây, Bộ luật dân sự năm 2005 mới có hiệu lực gần đây thì biện pháp bảo đảm bằng cầm cố tài sản mà bên nhận cầm cố giữ tài sản bảo đảm không phải thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm. Với qui định này, giao dịch cầm cố tài sản tự nó có hiệu lực pháp lý ràng buộc Bên cầm cố, Bên nhận cầm cố theo các qui định trong hợp đồng và pháp luật về cầm cố. Trên thực tế tổ chức tín dụng khi nhận cầm cố - giữ các tài sản cầm cố, đặc biệt là các tài sản có tính thanh khoản cao như vàng, kim khí quí, đá quí, thẻ tiết kiệm, tín phiếu kho bạc, trái phiếu… đều không thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm. Có thực tế này trước hết là: (i) Luật pháp không yêu cầu phải đăng ký và (ii) thông lệ, thực tiễn kinh doanh của các tổ chức tín dụng, theo đó, đối với tài sản cầm cố có tính thanh khoản cao như tín phiếu, trái phiếu, sổ tiết kiệm, ngoại tệ, vàng… Một khi tổ chức tín dụng đã nắm giữ các tài sản này (thông qua biện pháp cầm cố tài sản) thì việc thực hiện thêm các thủ tục đăng ký … dường như là không cần thiết, không hợp lý và làm kéo dài qui trình, thủ tục, khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của doanh nghiệp.
Sẽ không có rủi ro nào xảy ra đối với tổ chức tín dụng nếu tài sản cầm cố chỉ được dùng để bảo đảm cho một nghĩa vụ của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ luật dân sự năm 2005 được ban hành, với việc cho phép một tài sản được dùng bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ, nhiều chủ nợ - bên nhận bảo đảm, đồng thời có qui định cụ thể về xác định thứ tự ưu tiên thanh toán thì quyền ưu tiên của Bên nhận cầm cố tài sản, Bên nhận bảo đảm có thể bị ảnh hưởng và có khả năng gây ra rủi ro rất lớn đối với tổ chức tín dụng.
Theo qui định tại Điều 324 Bộ luật dân sự 2005 thì một tài sản có thể được dùng để làm bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ dưới các hình thức như: cầm cố, thế chấp tài sản… Bộ luật dân sự 2005 cũng qui định rõ nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp một tài sản được dùng để làm bảo đảm thực hiện cho nhiều nghĩa vụ, theo đó: “ Thứ tự ưu tiên thánh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định như sau: (1). Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký; (2.) Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán;…(xem điều 325 Bộ Luật dân sự)”. Với qui định này, việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp một tài sản được dùng làm bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ sẽ được xác định theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm và giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên cao hơn giao dịch bảo đảm không được đăng ký. Do vậy, trong trường hợp tổ chức tín dụng nhận cầm cố tài sản mà không thực hiện đăng ký mà tài sản cầm cố đó lại được dùng để thế chấp bảo đảm nghĩa vụ cho một chủ nợ khác và chủ nợ này lại thực hiện đăng ký thế chấp – đăng ký giao dịch bảo đảm thì chủ nợ nhận thế chấp có đăng ký giao dịch bảo đảm này sẽ được ưu tiên thanh toán trước tổ chức tín dụng, cho dù tổ chức tín dụng đã nhận cầm cố tài sản trước Bên nhận thế chấp.
Rõ ràng, với qui định pháp lý trên đây, nếu tổ chức tín dụng nhận cầm cố tài sản mà không thực hiện đăng ký thì có thể sẽ gặp rủi ro rất lớn nếu tài sản cầm cố đó bị dùng làm tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ khác, chủ nợ khác mà chủ nợ đó có thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.
Phải thấy rằng, Bộ luật dân sự 2005 cho phép một tài sản có thể được dùng làm bảo đảm nhiều nghĩa vụ, nhiều chủ nợ, đồng thời có qui định rõ nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán là bước đổi mới rất lớn của Luật pháp, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng, song cũng đặt ra những rủi ro không nhỏ cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và có dấu hiệu cho thấy các qui định này chưa hẳn phù hợp với hoạt động của tổ chức tín dụng.
Ở Việt Nam, vốn tín dụng từ ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội, thông qua đó, các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh có thể nhanh chóng tiếp cận vốn tín dụng mở rộng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi các doanh nghiệp không dễ dàng thực hiện trực tiếp huy động vốn qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cả nền kinh tế, xã hội đều yêu cầu, mong muốn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhanh chóng, thuận tiện. Vì vậy, các tổ chức tín dụng đã không ngừng hoàn thiện, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận vốn tín dụng, đưa nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế, đặc biệt là qui trình xem xét, cấp tín dụng. Với qui định mới về xác định thứ tự ưu tiên thanh toán của Bộ Luật Dân Sự, quyền ưu tiên của tổ chức tín dụng nhận cầm cố tài sản, kể cả tài sản có tính thanh khoản cao như vàng, kim khí quí, đá quí, tín phiếu, trái phiếu … có thể bị ảnh hưởng (không được là bên có quyền ưu tiên thứ nhất) sẽ dẫn đến thực tế là tổ chức tín dụng phải thực hiện đăng ký tất cả các giao dịch cầm cố tài sản và như vậy, thủ tục cho vay có thể sẽ phải kéo dài hơn. Do đó, Doanh nghiệp, bên vay vốn sẽ không thể tiếp cận vốn vay nhanh chóng kể cả khi họ có những tài sản có tính có tính thanh khoản rất cao. Để tiếp cận được vốn vay trong trường hợp này sẽ cần ít nhất là 03 ngày, rõ ràng đây là những hạn chế cần phải được xem xét. Chưa kể đến sự gia tăng khối lượng công việc hàng ngày của các tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm khi thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm cho tất cả các giao dịch cầm cố.
Để khắc phục, hạn chế, rủi ro có thể phát sinh đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng khi nhận cầm cố tài sản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng nhanh chóng, sử dụng vốn hiệu quả, về lâu dài, Điều 325 Bộ Luật Dân Sự cần có sự sửa đổi, bổ sung theo đó xác định trong trường hợp tài sản cầm cố là kim khí quí, đá quí, tín phiếu, trái phiếu, tiền… thì bên nhận cầm cố đang giữ tài sản phải có quyền ưu tiên cao nhất. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động ngân hàng, doanh nghiệp, có thể cần có Nghị Quyết của Quốc Hội về thi hành Bộ Luật Dân Sự để qui định một số ngoại lệ như trên, bảo đảm việc áp dụng Bộ luật dân sự mới được phù hợp với cuộc sống, thực sự hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội.
Trong khi chưa có sự thay đổi như trên, thiết nghĩ Tổ chức tín dụng cần phải thực hiện đăng ký ngay việc nhận cầm cố tài sản bất kể tài sản đó sẽ được dùng để làm bảo đảm tiếp nữa hay không để bảo đảm quyền lợi của tổ chức tín dụng, bảo đảm quyền ưu tiên tối cao của mình, tránh các rủi ro có thể phát sinh.
(Theo Ngân hàng Nhà nước)