Một trong những lý do chính để biện minh cho tiến độ cầm chừng các cải cách trong ngành Ngân hàng là vì đây là một ngành dịch vụ dựa trên tri thức. Người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng, nhân viên và quản lý ngân hàng đều cần phải được “giáo dục”, và do đó, cần thời gian để tri thức và kinh nghiệm cần thiết được tích lũy trong những chủ thể này, trước khi mở toang cửa bảo hộ ngành này cho cạnh tranh nước ngoài. Tuy nhiên, người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng và các doanh nghiệp Việt Nam đang nóng lòng học hỏi và thường học rất nhanh những gì cần thiết cho quá trình kinh doanh của mình, với tốc độ được gia tăng qua các năm nên đây có lẽ không phải là lý do để ngần ngại mở cửa và cải cách ngân hàng.
Lý do thứ hai biện minh cho tình trạng cải cách cầm chừng là khối lượng lớn các luật lệ liên quan cần thiết phải được ban hành mới hoặc sửa đổi cho phù hợp với quy định của WTO. ở Việt Nam, ngành dịch vụ ngân hàng trong một nền kinh tế thị trường là một ngành tương đối mới, được bảo hộ chặt chẽ hơn, so với các ngành sản xuất và dịch vụ khác. Tự do hóa tất yếu dẫn đến một khối lượng lớn các luật lệ, quy định cần phải ban hành bởi các cơ quan chức năng liên quan, mà đôi khi chồng chéo nhau. Cũng vì tính chất mới mẻ tương đối của ngành này nên, để tiện cho việc quản lý của các cơ quan chức năng, tránh được những cú sốc trong ngành, thoát khỏi tầm kiểm soát của họ, các luật định thường có xu hướng trói buộc (hoặc làm chậm chễ cải cách) chứ không phải là cởi trói cho ngành Ngân hàng.
 |
Các QTDND cùng nhau đoàn kết dưới mái nhà chung Hiệp hội trước sức ép hội nhập |
Bởi vậy, có thể dễ dàng cảm nhận được thái độ hoài nghi, chưa tin tưởng lẫn nhau giữa các bên liên quan trong nước và nước ngoài trong quá trình tự do hóa ngành Ngân hàng ở Việt Nam. Các nhà làm luật Việt Nam lo sợ rằng các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt các ngân hàng Mỹ, sẽ lũng đoạn ngành Ngân hàng vì họ có ưu thế tuyệt đối về quản lý, hệ thống thông tin và các tiếp cận đến thị trường vốn. Ngược lại, các ngân hàng nước ngoài e ngại rằng các nhà làm luật Việt Nam chỉ cho phép có những biện pháp cải cách và mở cửa khi họ nắm trong tay công cụ để bảo vệ các ngân hàng trong nước trước “nanh vuốt” của ngân hàng nước ngoài. Những nỗi lo ngại của 2 bên đều không phải là hoàn toàn vô cớ. Các nhà làm luật Việt Nam đang phải vật lộn với việc cân bằng giữa nhu cầu cải cách mở cửa với nhu cầu ổn định thị trường ngân hàng trong nước. Tất nhiên là mục tiêu cuối cùng của cả các nhà làm luật Việt Nam và các bên liên quan nước ngoài là tạo dựng một ngành Ngân hàng hoạt động minh bạch và hiệu quả như của những nước tiên tiến. Tuy vậy, Việt Nam cũng nhắm đến một mục tiêu không kém quan trọng hơn là tạo dựng các ngân hàng trong nước mạnh, có tính cạnh tranh quốc tế, và bởi vậy việc bảo hộ các ngân hàng nội địa để chúng lớn mạnh trước khi đưa ra cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài vẫn là một yếu tố không thể bỏ quên trong chính sách của Việt Nam.
Một trong những dẫn chứng điển hình cho thái độ hồ nghi và dè dặt với quá trình mở cửa và tự do hóa ngành Ngân hàng là một số quy định trong Dự thảo mới nhất Nghị định của Chính phủ về việc tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho phép nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của các cổ đông nước ngoài trong một ngân hàng lên quá 30%, và tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài chiến lược không quá 20%, mặc dù trước đó, bản thân Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã có văn bản chính thức đề nghị nâng các tỷ lệ sở hữu này lên để tăng cường quy mô vốn của các ngân hàng nội địa. Ngoài ra, những quy định về yêu cầu vốn cần có để các ngân hàng nước ngoài có thể được phép hoạt động tại Việt Nam và quy trình xét duyệt cấp phép chậm chạp cũng là những ví dụ cần dẫn ra. Lưu ý rằng những hạn chế này không vi phạm cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Dẫu vậy, những động thái này minh họa rõ nét thái độ bảo hộ của cơ quan hữu trách đối với ngành Ngân hàng nội địa. Nhiều nhà quan sát còn nghi ngờ rằng những nhà làm luật Việt Nam sẽ tiếp tục hạn chế việc kinh doanh của các ngân hàng nước ngoài sử dụng VND thông qua các tiêu chí hoạt động an toàn và quy trình cấp phép kéo dài.
Những hạn chế công khai và ngầm định này đã và sẽ là những cản trở lớn đến sự xâm nhập của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường ngân hàng Việt Nam, làm giảm mức độ hấp dẫn của thị trường này trong con mắt của họ. Điều này có thể dự báo qua kinh nghiệm của Trung Quốc, nơi mà đến tận năm 2006, tức 5 năm sau ngày nước này ký cam kết gia nhập WTO, và đến thời hạn phải mở cửa hoàn toàn ngành Ngân hàng, cho phép các ngân hàng nước ngoài được thiết lập chi nhánh mới tại các địa phương khác và được kinh doanh bằng đồng Nhân dân tệ, chỉ có một số ít ngân hàng nước ngoài cho biết sẽ mở thêm chi nhánh mới ở các tỉnh khác của Trung Quốc sau khi cam kết tự do hóa hoàn toàn có hiệu lực vào tháng 12/2006. Lý do họ đưa ra là thái độ bảo hộ công khai ngành Ngân hàng nội địa bằng các biện pháp hành chính và kinh tế (có lẽ đang là mô hình cho Việt Nam đi theo) đã làm cho chi phí mở rộng mạng lưới kinh doanh ở Trung Quốc của họ tăng quá mức chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều trong số này cho rằng sẽ tìm cách gặt hái từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc bằng các phương cách khác như sở hữu một tỷ lệ cổ phần nhỏ trong các ngân hàng thương mại Trung Quốc.
Để kết luận, có thể nói rằng tương lai ngành Ngân hàng Việt Nam có lẽ vẫn nằm trong tay người Việt Nam, xét đến những động thái ngay trước thời điểm Việt Nam sắp chính thức gia nhập WTO của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam như là kết quả của việc coi mở cửa và cải cách ngành Ngân hàng chỉ có lợi cho nước đối tác chứ không phải là có lợi cho tất cả các bên liên quan, cũng như sức ép bảo hộ từ các nhóm lợi ích trong nước. Tuy vậy, điều hiển nhiên mà họ cần biết là sự bảo hộ như vậy chỉ làm yếu đi hệ thống ngân hàng nội địa vốn đang cần phải có sự điều trị toàn diện về phương thức quản lý kinh doanh và nhân sự. Chỉ khi nào Việt Nam vượt khỏi tâm lý đối phó với các nghĩa vụ cam kết gia nhập WTO, chuyển sang chủ động theo đuổi tinh thần của WTO - cho phép cạnh tranh minh bạch, công bằng, và tự do giữa các ngân hàng, bất kể chúng là nội địa hay nước ngoài - thì lúc đó Việt Nam mới nhanh chóng thúc đẩy quá trình trưởng thành và hội nhập ngành Ngân hàng nội địa với hệ thống ngân hàng tài chính quốc tế. Quá trình cải cách ngân hàng Việt Nam, do vậy sẽ là một quá trình khó khăn và lâu dài, giằng co giữa 2 xu hướng cải cách và bảo hộ; sự gia nhập WTO sắp tới và cam kết tự do hóa ngành Ngân hàng sau một số năm nữa chỉ là một sự khởi động ban đầu của quá trình cải cách và đấu tranh lâu dài này.