02.10.2006 16:03

Một số điểm mới sửa đổi, bổ sung Quy chế Tiền gửi tiết kiệm

Sau một thời gian thực hiện Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế tiền gửi tiết kiệm đã bộc lộ một số vướng mắc. Để giải quyết những vướng mắc đó, ngày 25/9/2006 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ- NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ- NHNN.

Việc rút tiền gửi tiết kiệm trước thời hạn do tổ chức tín dụng và khách hàng tự thoả thuận.

Ngày 13/9/2004, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành Quy chế tiền gửi tiết kiệm. Có thể nói việc ban hành Quy chế này đã tạo ra cơ sở pháp lý thống nhất, phù hợp với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và đáp ứng yêu cầu mở rộng huy động vốn an toàn và hiệu quả của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nhìn chung, các TCTD đã thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện Quy chế 1160 đã bộc lộ một số vướng mắc. Để giải quyết những vướng mắc đó, ngày 25/9/2006 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo Quy chế mới, tổ chức tín dụng được phép tự quy định lãi suất tiền gửi tiết kiệm rút trước hạn nhằm tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của TCTD và để khuyến khích người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Hơn nữa, việc quy định như vậy không những tạo quyền chủ động cho các tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm trong việc quy định phí rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn mà còn nâng cao trách nhiệm của người gửi tiền đối với các cam kết của mình với TCTD. Một số nội dung tại Quy chế mới được sửa đổi, bổ sung như sau:

1.Khoản 9 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"9. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn là tiền gửi tiết kiệm, trong đó người gửi tiền thỏa thuận với tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm về kỳ hạn gửi nhất định."

2.Điểm a Khoản 1 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a) Người gửi tiền phải trực tiếp thực hiện giao dịch gửi tiền tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và xuất trình các giấy tờ sau:

- Đối với người gửi tiền là cá nhân Việt Nam phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài, phải xuất trình hộ chiếu được cấp thị thực còn thời hạn hiệu lực; nếu người gửi tiền đó nhập cảnh được miễn thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, thì xuất trình hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực.

- Đối với người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, phải xuất trình các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.

- Đối với cá nhân từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nhưng có tài sản riêng, ngoài việc xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực phải xuất trình giấy tờ để chứng minh số tiền gửi ngân hàng là tài sản riêng của mình như giấy tờ về thừa kế, cho, tặng, hoặc các giấy tờ khác chứng minh số tiền gửi vào ngân hàng là tài sản của mình."

3. Điểm c Khoản 1 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"c) Đối với cá nhân Việt Nam phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài, phải xuất trình hộ chiếu được cấp thị thực còn thời hạn hiệu lực; nếu người gửi tiền đó nhập cảnh được miễn thị thực theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, thì xuất trình hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực."

4.Khoản 2 và Khoản 3 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Trường hợp người gửi tiền có nhu cầu rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn đáp ứng đủ quy định tại Khoản 1 Điều 16, thì người gửi tiền được hưởng lãi theo quy định của tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.

3. Trường hợp người gửi tiền có nhu cầu rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn nhưng không đáp ứng đủ quy định tại Khoản 1 Điều 16, thì tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm có thể cho phép người gửi tiền rút tiền trước hạn. Trong trường hợp này, người gửi tiền được hưởng lãi theo quy định tại Khoản 2 Điều 16; tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm được quyền quy định mức phí đối với khoản tiền gửi tiết kiệm rút trước hạn."

5.Khoản 2 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Khi sử dụng thẻ tiết kiệm làm tài sản cầm cố, chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải cam kết trường hợp đến hạn trả nợ mà không trả được nợ, thì tổ chức tín dụng cho vay có quyền yêu cầu tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm chuyển số tiền gửi tiết kiệm của bên vay cho tổ chức tín dụng cho vay để thu hồi nợ ."

6.Khoản 1 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm có thể quy định mức phí đối với việc nhận hoặc chi trả tiền gửi tiết kiệm."

Theo đó các khoản tiền gửi tiết kiệm gửi trước ngày Quyết định số 47 có hiệu lực nhưng chưa đến hạn thanh toán, thì tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm và người gửi tiền tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã cam kết cho đến khi đến hạn thanh toán tiền gửi tiết kiệm hoặc các bên có thể thỏa thuận thực hiện theo các quy định tại Quyết định này.

(Theo NHNN)

Các tin liên quan