14.11.2006 11:01

Mở cửa, hội nhập và phát triển

Ngày 7/11/2006 đánh dấu một mốc son trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với việc Việt Nam được chính thức kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng.

Các cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực ngân hàng sẽ cho phép các tổ chức tín dụng nước ngoài được hiện diện ở Việt Nam dưới các hình thức khác nhau, mở rộng phạm vi và loại hình cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng.

Để chuẩn bị thực hiện các cam kết nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ những điều chỉnh về khuôn khổ pháp lý ngay trong quá trình đàm phán gia nhập WTO. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay bao gồm Luật các Tổ chức Tín dụng, Luật Sửa đổi và Bổ sung một số Điều của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp lý liên quan. Trong đó nổi bật là Nghị định của Chính phủ số 22/NĐ-CP ngày 28/2/2006 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Có thể nói, việc thực hiện các cam kết trong lĩnh vực ngân hàng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế để mở rộng nguồn vốn, đầu tư kinh doanh ngoại hối và thanh toán quốc tế, khuyến khích đầu tư trong nước cũng như ở nước ngoài. Sự tham gia góp vốn của ngân hàng nước ngoài vào các ngân hàng Việt Nam gần đây và trong tương lai sẽ giúp các ngân hàng trong nước có điều kiện tăng vốn, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại về quản lý và hoạt động ngân hàng. Cũng cần thấy rằng, từ nhiều năm nay các ngân hàng thương mại Việt Nam đã có sự hội nhập khá tốt với hoạt động ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Điều đó được minh chứng bằng quá trình thanh toán thông suốt cho các giao dịch hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam với các nước khác, bằng số lượng hàng ngàn ngân hàng đại lý của các Ngân hàng thương mại Việt Nam, bằng việc nhiều Ngân hàng thương mại Việt Nam được các tổ chức có uy tín xếp hạng vào các vị trí danh dự hàng năm… Các Ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã tranh thủ rút ngắn được thời gian để sớm áp dụng các nghiệp vụ tiên tiến, các sản phẩm hiện đại - nhất là các nghiệp vụ liên quan đến công nghệ thông tin và các sản phẩm liên quan lĩnh vực thẻ ngân hàng. Tương tự, về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã học tập và trang bị cho mình  khá nhiều kiến thức về điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá, quản lý lạm phát, về giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng…  để có thể ổn định vĩ mô cho hoạt động ngân hàng, bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho các  tổ chức tín dụng.
 
Đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo là phương châm hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân

Tuy nhiên, việc mở cửa hơn nữa thị trường tài chính ngân hàng cũng đặt ra nhiều thách thức về cạnh tranh cho hệ thống ngân hàng trong nước vốn còn nhiều hạn chế. Điểm yếu của các ngân hàng trong nước là quy mô vốn còn nhỏ, nợ xấu theo tiêu chuẩn kế toán quốc tế còn cao đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước, và năng lực quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trong nước còn chưa đa dạng, vẫn chỉ tập trung vào các dịch vụ huy động và cho vay truyền thống, và chất lượng dịch vụ chưa cao. Khi những hạn chế cuối cùng về việc cung cấp dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài được dỡ bỏ, các ngân hàng trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế về dịch vụ ngân hàng bán lẻ với mạng lưới các kênh phân phối. Với việc mở cửa thị trường tài chính nội địa, các ngân hàng trong nước còn phải đối mặt với rủi ro thị trường như rủi ro về giá cả, tỷ giá và lãi suất và các rủi ro hệ thống bắt nguồn từ sự lan truyền của các cuộc khủng hoảng, các cú sốc kinh tế tài chính khu vực và trên thế giới.

Từ một vài năm trở lại đây, ngành Ngân hàng đã có những nỗ lực tích cực hơn để chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập. Trước những cơ hội và thách thức như trên, để tồn tại, phát triển và không để ảnh hưởng đến thị phần của mình, các ngân hàng trong nước đã nâng cao quy mô vốn, mở rộng mạng lưới giao dịch, phát triển các dịch vụ mới như dịch vụ thẻ, đa dạng hoá hoạt động, và kêu gọi các đầu tư của các đối tác chiến lược là các ngân hàng nước ngoài danh tiếng. Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đã có kế hoạch cơ cấu lại và cổ phần hoá. Trong thời gian tới, để phát huy tốt nội lực của mình, mỗi ngân hàng cần nâng cao năng lực quản lý rủi ro, xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh phù hợp, lựa chọn các thị trường mục tiêu phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của từng ngân hàng, và đặc biệt là phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã lên kế hoạch đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động, xây dựng thành Ngân hàng Trung ương theo mô hình hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn chức năng quản lý giám sát của mình. Việc củng cố chức năng thanh tra giám sát ngân hàng sẽ là một trong những trọng tâm của quá trình đổi mới này để đảm bảo cho quá trình hội nhập diễn ra suôn sẻ, tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và lành mạnh cho hệ thống ngân hàng.

(Theo NHNN)

Các tin liên quan