Trong năm 2007, cuộc cạnh tranh đã thực sự bắt đầu, sẽ rất quyết liệt, không phải là dự đoán nữa, không phải chờ vào WTO mà vào thật rồi. Nhưng trước mắt, cuộc cạnh tranh sẽ chưa khốc liệt giữa khối ngân hàng trong nước với nước ngoài, bởi các ngân hàng nước ngoài sẽ vào theo lộ trình nhất định.
Chúng ta còn 5 năm nữa để hoàn thiện khả năng cạnh tranh của mình. Sự quyết liệt trong năm 2007 là cạnh tranh giữa các ngân hàng trong nước, đặc biệt là trong khối cổ phần. Một áp lực đáng kể là sự tham gia của các ngân hàng cổ phần mới và có thể sẽ có vài ngân hàng ra đời nữa. Số lượng ngân hàng cổ phần từ 32 có thể lên tới 40, thậm chí là 45.
Còn sự thâm nhập và cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài thì như những mũi khoan, xoay từ từ từng bước một, sâu dần vào thị trường. Sự từ từ đó thể hiện những bước chậm nhưng rất chắc.
Trong năm 2007, có hai điều cần cảnh báo. Thứ nhất là sự cạnh tranh, lôi kéo nhân lực giữa các ngân hàng đẩy chi phí tiền lương, tiền công lao động cao lên khiến chi phí hoạt động của các ngân hàng bị đội lên, mặc dù chất lượng lao động có thể chưa tương xứng với chi phí bị đẩy lên cao đó.
Vì thiếu nguồn nhân lực, nhất là các ngân hàng mới ra buộc phải đẩy chi phí này lên, thậm chí sẽ dẫn đến sự cạnh tranh hỗn loạn trên thị trường nhân lực. Các ngân hàng thâm niên muốn giữ được người thì buộc phải nâng theo, ngân hàng mới không lấy được người thì lại tiếp tục đẩy cao.
Đó là chưa kể sắp tới các ngân hàng nước ngoài vào sẽ đẩy sự cạnh tranh này lên cao hơn. Nhưng tôi cho rằng sự thu hút của các ngân hàng nước ngoài không đáng sợ bằng các ngân hàng cổ phần mới ra. Nhưng chính vì mở rộng hoạt động, thành lập mới như thế mà nguồn nhân lực hạn chế và phải cạnh tranh như vậy sẽ dẫn đến rủi ro.
Thứ hai, cuộc cạnh tranh lãi suất sẽ vẫn diễn ra vào đầu năm 2007. Lãi suất sẽ lại tăng. Mặc dù lạm phát đã có dấu hiệu khả quan nhưng lãi suất vẫn không thể xuống được.
Có hai lý do: Một là tăng trưởng kinh tế và nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn rất lớn đòi hỏi các ngân hàng phải cung một lượng vốn lớn trong khi nguồn vốn dân cư sẽ không nằm nhiều ở ngân hàng nữa vì thị trường chứng khoán đã hút một lượng lớn. Thị trường vàng cũng hấp dẫn đầu tư. Vì vậy, tốc độ huy động tiền gửi sẽ chững lại trong năm 2007.
Các ngân hàng buộc phải đẩy lãi suất lên, đặc biệt là sự tham gia của các ngân hàng mới, thương hiệu chưa lớn. Các ngân hàng quốc doanh, để giữ thị phần, cũng sẽ tham gia mặc dù không muốn. Đây cũng là một rủi ro đối với nền kinh tế. Chỉ trừ khi thị trường chứng khoán thực sự lớn, các doanh nghiệp không phải vay ngân hàng nữa mà có thể tự huy động vốn, nhưng có lẽ sẽ phải chờ dăm bảy năm nữa.
Một điểm đáng chú ý nữa trong năm 2007 về lợi nhuận. Các ngân hàng đang tính đến việc thay đổi dần cơ cấu lợi nhuận thay vì lệ thuộc vào các hoạt động truyền thống. Từ nay đến năm 2010, tôi đoán tỷ trọng lợi nhuận giữa tín dụng và dịch vụ sẽ là 70% và 30%, thay cho 80% và 20% , thậm chí 90% và 10% như hiện nay.