13.10.2006 13:40

Không nên thu thuế từ nguồn lãi gửi tiết kiệm

Điểm giao dịch tiết kiệm của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Trần Minh Tuấn đề nghị chưa nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm vì sẽ ảnh hưởng mạnh đến việc huy động vốn của ngân hàng. Hơn nữa, việc công khai thu nhập từ lãi tiết kiệm sẽ trái với quy định về việc giữ bí mật tiền gửi.

Tại buổi họp sáng nay (12/10), thay mặt Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã nêu rõ: đưa thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm (hiện đang tạm thời chưa thu) vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân.

Ông Ninh lý giải rằng: thực tiễn ở nước ta thời gian qua thu nhập dân cư còn thấp, phần lớn người gửi tiền tiết kiệm với mục đích bổ sung thu nhập chi dùng cho đời sống hàng ngày, do vậy chưa thu thuế đối với khoản thu nhập này. Nhưng hiện nay và những năm tới, thu nhập dân cư đã được cải thiện nên số người có tiền gửi tiết kiệm gia tăng, thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm cũng tăng lên, do đó cần đưa thu nhập này vào diện chịu thuế.

Tuy nhiên, khi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật thu nhập cá nhân, ông Nguyễn Đức Kiên (Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội) đã nêu rõ 2 loại ý kiến khác nhau.

Dự án Luật quy định : thu thuế đối với trường hợp có lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 5 triệu đồng/tháng và thu với mức thuế suất thấp nhất là 5%.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không nên quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân vì sẽ ảnh hưởng đến việc huy động tiền tạm thời nhàn rỗi của nhân dân cho đầu tư phát triển, trong khi đất nước đang cần huy động tối đa các nguồn lực xã hội để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát.

Nếu đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, người dân sẽ không gửi nữa mà mua vàng, ngoại tệ và các loại tài sản khác để cất giữ, đẩy mặt bằng lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng lên cao, do đó ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế.

Mặt khác, dễ xuất hiện tình trạng người dân chia nhỏ số tiền nhàn rỗi, gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau để tránh phải nộp khoản thuế này.

Loại ý kiến thứ hai đồng ý với dự án Luật và cho rằng, nếu không đưa thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân thì không công bằng, vì tiền gửi tiết kiệm cũng là một khoản đầu tư.

Các đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân được chia làm 6 loại. Đó là:

Thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, thu nhập chịu thuế từ tiền công, tiền lương; Thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn là các khoản lãi như lãi tiền tiết kiệm; Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn và chênh lệch giữa giá chuyển nhượng với giá vốn và chi phí có liên quan; Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản (trừ trường hợp là tài sản thừa kế, quà tặng giữa vợ chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi; ông bà nội, ngoại với cháu nội cháu ngoại; anh chị em ruột); Thu nhập chịu thuế khác bao gồm trúng xổ số, trúng thưởng các chương trình khuyến mại, bán bản quyền...

Theo dự án luật, biểu thuế thu nhập cá nhân có 7 bậc, khoảng cách giữa các thuế suất là 5%, thuế suất thấp nhất là 5%, cao nhất là 35%. Trong đó bậc 1(thấp nhất) là thu nhập 5triệu đồng/tháng, tương đương với 60 triệu đồng /năm, có thuế suất 5%; bậc 7 (cao nhất) có thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng, tương đương với 960 triệu đồng/năm, có thuế suất 35%.

Về giảm trừ gia cảnh, dự án luật quy định mức giảm trừ gồm 2 phần là đối với người bản thân nộp thuế và người phụ thuộc, mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng theo pháp luật (con, vợ/chồng, bố, mẹ, ông, bà...), trong đó mức giảm trừ gia cảch đối với bản thân người nộp thuế là 4 triệu và đối với 1 người phụ thuộc là 1,6 triệu.

Theo Tienphongonline

Các tin liên quan