01.11.2006 16:08

Khái quát tình hình hoạt động ngân hàng tháng 10

  Một số tình hình  tiền tệ, tín dụng tháng 10/2006:

1.1- Về lãi suất: Lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam áp dụng trong tháng 10/2006 ở mức 8,25%/năm, không thay đổi so với tháng trước. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước, mức tăng từ 0,03-0,17%/năm. Mặt bằng lãi suất VND của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định, cá biệt có 1 ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động (0,24-0,48%/năm đối với VND và 0,35-0,6%/năm đối với USD), một số ngân hàng thương mại khác thì thực hiện việc đa dạng hoá các sản phẩm tiền gửi, tạo điều kiện cho khách hàng có thể gửi tiền với nhiều kỳ hạn và rút linh hoạt hơn.

1.2- Về tỷ giá: Trong tháng 10/2006, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng trên thị trường chính thức tăng nhẹ, ngày 23/10 ở mức 16.040đ/USD, tăng 24đ so với cuối tháng 9/2006; tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại luôn sát trần cho phép. Trên thị trường tự do, tỷ giá cũng có xu hướng tăng nhẹ, ngày 23/10 ở mức 16.070 - 16.090đ/USD,
tăng 20đ so với cuối tháng 9/2006.

 
 Trong tháng 10/2006 tỷ giá USD/VND trên thị trường tăng 24đ so với cuối tháng 9/2006

Tỷ giá EUR/VND trên thị trường trong nước vẫn theo sát diễn biến của đồng EUR trên thị trường quốc tế. Ngày 23/10, tỷ giá trên thị trường chính thức ở mức 20.163-20.409đ/EUR, giảm 109đ so với cuối tháng 9/2006; tỷ giá trên thị trường tự do ở mức 20.210-20.260đ/EUR, giảm 140đ so với cuối tháng 9/2006.
1.3- Giá vàng trong nước biến động sát với diễn biến của giá vàng thế giới và có xu hướng tăng dần, hiện ở mức 1.178.000đ - 1.184.000đ/chỉ.

2. Tình hình hoạt động ngân hàng:
Về điều hành chính sách tiền tệ:

Trong tháng 10, thị trường tiền tệ, tín dụng tiếp tục ổn định. Các tổ chức tín dụng tiếp tục dư thừa vốn khả dụng do tốc độ tăng trưởng huy động vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ (Ngân hàng Nhà nước đã hút hơn 6.000 tỷ đồng từ lưu thông thông qua nghiệp vụ bán giấy tờ có giá trên thị trường mở). Lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua được từ Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức quốc tế thấp hơn lượng ngoại tệ bán ra.

Từ cuối tháng 9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý cho một số tổ chức kinh doanh vàng nhập khẩu khoảng 20.000 kg vàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất kinh doanh và chấp thuận cho ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam được sản xuất vàng miếng trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước cấp. Đồng thời, để theo dõi tình hình nhập khẩu vàng và diễn biến cung, cầu vàng trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu một số tổ chức kinh doanh vàng báo cáo tình hình nhập khẩu vàng theo hạn ngạch được cấp trong 9 tháng đầu năm 2006.

Để thống nhất trong thực hiện đối với giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường hàng hoá, tránh hiện tượng đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại khi thực hiện giao dịch này phải thực hiện trên cơ sở hàng hoá thực và các ngân hàng làm trung gian môi giới cho giao dịch này phải xây dựng quy trình kiểm tra chứng từ để đảm bảo giao dịch được thực hiện trên cơ sở hàng hoá thực.

Để tăng cường công tác phối hợp với Tổng cục Thống kê trong việc tính toán lạm phát cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Tổ lạm phát cơ bản với nhiệm vụ chính là làm đầu mối phối hợp với Tổng cục Thống kê và các đơn vị liên quan khác tổng hợp, phân tích thông tin, số liệu phục vụ việc xây dựng phương pháp tính và dự báo lạm phát cơ bản phù hợp với điều kiện Việt Nam; lập đề cương kế hoạch thực hiện việc xây dựng phương pháp tính và dự báo lạm phát cơ bản giai đoạn từ tháng 9/2006-6/2007.

 Về hoạt động tín dụng: 
- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

+ Để khắc phục hậu quả cơn bão số 6, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lại toàn bộ các khoản nợ vay của từng khách hàng để nắm tình hình thiệt hại tại các địa phương do bão số 6 gây ra đối với vốn tín dụng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước; các ngân hàng thương mại căn cứ các quy định hiện hành, chủ động thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ vay theo thẩm quyền và tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất đối với các khách hàng bị thiệt hại do bão số 6 gây ra; trường hợp các khoản nợ thiệt hại quá lớn, vượt khả năng xử lý của từng ngân hàng thì tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để được xem xét xử lý.

+ Tổng hợp tình hình thiệt hại của các hộ dân vay vốn ngân hàng do cơn bão số 1 gây ra tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn 4 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Theo đó, trong tổng giá trị 22,43 tỷ đồng bị thiệt do bão có 10,45 tỷ đồng là nợ vay ngân hàng; trong đó, 11,75 tỷ đồng bị thiệt hại được bảo hiểm (còn thời hạn bảo hiểm). Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ cho các hộ dân vay vốn ngân hàng bị thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra theo hướng: các ngân hàng thương mại chủ động thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiếp tục xem xét cho vay để các hộ dân đóng mới, sửa chữa tàu thuyền hoặc chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh; các hộ dân có tàu bị thiệt hại được nhận tiền bảo hiểm để trả nợ ngân hàng, trường hợp tàu không mua bảo hiểm hoặc số tiền được bảo hiểm không đủ trả nợ ngân hàng thì các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn dự phòng rủi ro xử lý theo quy định; đối với các hộ dân vay vốn theo chương trình đánh bắt hải sản xa bờ bị thiệt hại, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xử lý chung trong chương trình đánh bắt hải sản xa bờ.

+ Hướng dẫn các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay vốn đối với dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó, các ngân hàng căn cứ quyết định đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xét duyệt cho vay, không phải thẩm định phướng vay, trả nợ và miễn lưu giữ hồ sơ dự án; tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và lưu giữ hồ sơ tín dụng theo quy định; các ngân hàng phối hợp với Tổng công ty dầu khí làm việc với Bộ Tài chính đẻe thực hiện việc bảo lãnh vốn đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được xem xét cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam vay vượt giới hạn 15% cốn tự có của ngân hàng để thực hiện các dự án điện với mức cho vay tối đa là 4.423,9 tỷ đồng và 39,5 triệu USD; cho phép Ngân hàng Đầu tư và phát triển và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo lãnh và cho vay vượt 15% vốn tự có của ngân hàng đối với Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (906 tỷ đồng và 494 tỷ đồng); cho phép Ngân hàng Công thương cho vay vượt 15% vốn tự có với mức cho vay tối đa là 93,75 triệu USD đối với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam để nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức được Bộ Thương mại giao.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong hoạt động ngân hàng,  Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung quy chế tiền gửi tiết kiệm và hướng dẫn hoạt động cho thuê tài chính hợp vốn, hạch toán kế toán trên cơ sở dồn tích, hướng dẫn hoạt động cho thuê tài chính hợp vốn của các công ty cho thuê tài chính, hoạt động bán các khoản phải thu từ hợp đồng cho thuê tài chính..

Tiếp tục đổi mới hoạt động ngân hàng Việt Nam:
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đổi mới hoạt động ngân hàng (Công văn số 4554/VPCP-KTTH ngày 21/8/2006 của Văn phòng Chính phủ), Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng kế hoạch triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một số nội dung như sau:

- Đang hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại nợ, xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế; rà soát để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

- Về dự thảo nghị định thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung các Nghị định của Chính phủ có liên quan đến việc thành lập ngân hàng mới: ngày 21/9/2006 Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/1998/NĐ-CP về vốn pháp định của tổ chức tín dụng. Tiếp theo đó, ngày 18/10/2006, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về chủ trương thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và Đề án các tiêu chí thành lập ngân hàng mới tại Việt Nam trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.  Ngoài ra, trong tháng 12/2006 (theo chương trình công tác năm 2006 của Chính phủ), Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 49/2000/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, trong đó sẽ cụ thể hoá nhiều tiêu chí về tổ chức, bộ máy hoạt động của ngân hàng thương mại.

- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện việc kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế: Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại nhà nước phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế kể từ năm 2006 và khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoại hoạt động tại Việt Nam kiểm toán báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng đã thưc hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2005 theo chuẩn mực quốc tế gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước trong tháng 10/2006 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành Ngân hàng (theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, trong đó đã xây dựng danh mục cụ thể các dự án, đề án cần triển khai và thời gian hoàn thành. Ngân hàng Nhà nước đã chú trọng thực hiện sớm hơn một số nội dung liên quan đến việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tổ chức quản lý nhà nước về ngân hàng, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng... Cụ thể: Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành Ngân hàng Trung ương hiện đại; đã xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết đối với việc sửa đổi, bổ sung 2 Luật ngân hàng như: thành lập 2 tiểu ban tổng kết và soạn thảo Luật, đưa ra lộ trình triển khai cụ thể....Đến nay, Ban soạn thảo đã hoàn thành Đề cương sơ bộ đối với việc xây dựng 2 Luật. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động làm việc của các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để tranh thủ sự trợ giúp kỹ thuật và tài chính cho quá trình xây dựng 2 Luật.

- Về việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng đẩy nhanh việc thực hiện Đề án cơ cấu lại, nghiên cứu xây dựng và áp dụng các mô thức quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế như xây dựng chiến lược kinh doanh, sổ tay tín dụng, hoàn thiện hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, quản lý tài sản nợ - có, quản lý rủi ro...

Các nội dung khác, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương triển khai để hoàn thành trong quý IV theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Củng cố, phát triển,  hệ thống ngân hàng Việt Nam:
 
- Đối với  ngân hàng thương mại nhà nước:
+ Thực hiện Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21/8/2006 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo việc thực hiện các quyền chủ sở hữu đối với các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các quyền chủ sở hữu đối với các ngân hàng thương mại nhà nước cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua và có hiệu thực thi hành; đồng thời, các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các uỷ viên Hội đồng quản trị ngân hàng thương mại nhà nước sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm mà không cần phải thoả thuận với Bộ Nội Vụ.

+ Về cổ phần hoá ngân hàng thương mại nhà nước: Hiện nay, Ngân hàng Ngoại thương đã đàm phán xong với tổ chức tư vấn xếp hạng 1. Sau khi xem xét kết quả đàm phán, Ban chỉ đạo cổ phần hoá đã đề nghị Ngân hàng Ngoại thương đàm phán lại về mức phí, nếu không thể giảm được thì cho phép Ngân hàng Ngoại thương đàm phán với tổ chức tư vấn xếp hạng 2. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiến độ cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương, trong đó đánh giá cụ thể nguyên nhân chậm trễ của tiến trình cổ phần hoá, đề xuất những vấn đề liên quan đến định giá, thuê tổ chức tư vấn và các bước tiến hành cổ phần hoá để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá ngân hàng này cũng như các ngân hàng còn lại.

Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước còn lại: Ngân hàng Nhà nước đang xem xét kết quả đánh giá hồ sơ tuyển chọn tư vấn cổ phần hoá  và đề nghị được trực tiếp đàm phán với tổ chức tư vấn tiềm năng của Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long; triển khai chủ trương cổ phần hoá 3 ngân hàng thương mại nhà nước còn lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với ngân hàng thương mại cổ phần:
+ Tiếp tục thực hiện Đề án cơ cấu lại ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn là ngân hàng Đồng Tháp Mười, Hải Hưng, Miền Tây chuyển đổi mô hình kinh doanh thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị. Tính đến nay, đã có 8/11 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn được phép chuyển đổi mô hình kinh doanh thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, 3 ngân hàng còn lại đang nỗ lực hoàn thiện để được Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển đổi mô hình kinh doanh.

- Trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép một số ngân hàng thương mại cổ phần đô thị phát hành trái phiếu chuyển đổi (Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Quân đội) để tăng vốn; cho phép VPBank bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài; cho phép một số ngân hàng khác thực hiện một số nghiệp vụ mới như hoạt động ngoại hối, bao thanh toán...
(Theo NHNN)

Các tin liên quan