Hệ thống ngân hàng cho vay để đầu tư chứng khoán đang ở mức nào?
Chỉ trong vòng 1 năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước khởi sắc vượt bậc, nếu trong năm 2005 chỉ số chứng khoán chỉ tăng 28% so với năm 2004, thì năm 2006 tăng tới mức 146,3% so với năm 2005; giá trị vốn hoá thị trường năm 2005 mới chỉ chiếm 0,69% GDP thì năm 2006 đã tăng lên mức 22,7%/GDP (mức tăng mạnh vào những tháng cuối năm), vượt xa con số dự kiến trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2010 là 15%/GDP. Điều này cho thấy, sự kiện gia nhập WTO cùng với các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ đã có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường chứng khoán. Nhất là chính sách về thuế, chính sách quản lý ngoại hối và việc mở rộng đầu tư gián tiếp cho các nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% mức đầu tư cổ phần trên thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài đã có tác động rõ nét. Sự phát triển nhanh của thị trường chứng khoán như vậy, theo đánh giá cuả các chuyên gia kinh tế về cơ bản là tốt, cần tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, sự tăng nhanh quá mạnh của chỉ số chứng khoán trong những ngày gần đây (ngày 17/1/2007 vượt ngưỡng 1.000 điểm), khiến các nhà quản lý phải lo ngại và Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm hạ nhiệt thị trường chứng khoán. Chỉ trong có 2 ngày sau khi các giải pháp được công bổ triển khai thì thị trường chứng khoán đã có sự hạ nhiệt rõ ràng.
Song một vấn đề khiến các nhà quản lý cũng như các nhà đầu tư quan tâm là hệ thống Ngân hàng đã cho vay vào đầu tư chứng khoán là bao nhiêu, vì điều này là nhân tố gây rủi ro thị trường đáng được quan tâm. Gần đây báo chí có đưa ra những con số khác nhau về mức độ cho vay này làm hoang mang thị trường, vì vậy bài viết này cũng muốn đưa thêm thông tin để cho thị trường có cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng cho vay đầu tư cổ phiếu của các NHTM hiện nay.
Việc thống kê một cách chính xác con số này quả là không dễ, vì tính cố hữu của thị trường tài chính là chứa đựng rủi ro đạo đức- khi mà người vay không sử dụng vốn vay đúng mục đích, nên việc thống kê sẽ khó chính xác. Tuy nhiên, chúng ta có thể ước đoán được từ những số liệu liên quan như sau:
-Theo số liệu thống kê cuả Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước, giá trị vốn hoá đến 31/12/2006 là khoảng 220.000 tỷ VND chiếm khoảng 22,7%/GDP.
- Đầu tư vào chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng từ 25-30% lượng cổ phiếu của công ty niêm yết. Như vậy, ước tính một cách đơn giản thì hiện nay các nhà đầu tư trong nước nắm giữ cổ phiếu với giá thị trường đến thời điểm 31/12/2006 khoảng 160.000 tỷ đồng.
- Giả sử toàn bộ giá cổ phiếu này được cầm cố để vay ngân hàng thì hiện nay, nếu tính bình quân các ngân hàng cho vay cầm cố với mức 40% giá trị thị trường của cổ phiếu thì con số cho vay tối đa chỉ là 64.000 tỷ đồng (40%x160.000 tỷ) chiếm 9,2% tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên trên thực tế, không phải tất cả các cổ phiếu được cầm cố tại ngân hàng để vay vốn. Hơn nữa một đồng vốn ngân hàng cho vay đầu tư cổ phiếu sẽ có một giá trị cổ phiếu giá thị trường lớn hơn vào thời điểm tiếp theo (vì xu hướng chỉ số VN-Index liên tục tăng trong năm). Vì vậy mức cho vay bằng cầm cố cổ phiếu (kể cả thị trường OTC) chắc chắn thấp hơn nhiều con số 9,2%.
- Cho vay để đầu tư chứng khoán, cũng có thể là không sử dụng cổ phiếu đề cầm cố, mà có thể người vay dưới dạng tiêu dùng, thấu chi qua thẻ tín dụng... vậy mức cho vay đầu tư chứng khoán tối đa (bao gồm cả cầm cố cổ phiếu) sẽ là bao nhiêu?
Cả năm 2006 tổng dư nợ cho vay ngành ngân hàng tăng 137.000 tỷ đồng- Bình quân tăng trưởng cả năm khoảng 19% (bao gồm cả các khoản thấu chi qua thẻ, cho vay trực tiếp doanh nghiệp, cá nhân và NHTM đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp, góp vốn liên doanh), trong đó cho vay bằng VND tăng khoảng 126.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đến 31/12/2006. Nếu loại bỏ các khoản các NHTM đầu tư vào trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp và góp vốn liên doanh, thì dư nợ cho vay tăng thêm chỉ khoảng 120.000 tỷ chiếm khoảng 17% tổng dư nợ cho vay. Trong 120.000 tỷ dư nợ tín dụng tăng thêm trong năm 2006 có khoảng 84.000 tỷ là cho vay ngắn hạn, vay trung hạn là 22.000 tỷ và dài hạn là 20.000 tỷ. Giả sử toàn bộ dư nợ tăng thêm ngắn hạn là để cho vay đầu tư chứng khoán thì cho vay chứng khoán chỉ chiếm khoảng 12% tổng dư nợ. Nhưng trên thực tế giả thiết này không thể xảy ra, mà mức cho vay sẽ thấp hơn nhiêu, cho dù có cả một phần đầu tư cổ phiếu là cho vay trung hạn.
Bởi, với mức độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 là 8,17%, trong khi vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Thêm vào đó, qui mô của thị trường chứng khoán mới có khoảng 193 công ty niêm yết trong số hơn 100.000 doanh nghiệp thì có thể ước đoán con số cho vay đầu tư chứng khoán chỉ khoảng từ 2-3% tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2006 như Thống đốc NHNN-Lê Đức Thuý đã công bố.
Sẽ có ý kiến cho rằng tại sao phương pháp suy luận, tính toán chỉ tính mức tăng tín dụng của năm 2006 để suy ra dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán đến hết năm 2006. Thế còn các khoản cho vay đầu tư từ năm 2004, 2005 thì sao. Con số đó nếu có thì rất nhỏ, vì giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán trong 2 năm đó chưa đến 1%/ GDP.