Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các nền kinh tế nói chung, nhất là về đầu tư - thương mại và tài chính. Việt Nam, một nền kinh tế còn kém phát triển, nhu cầu về vốn đầu tư là rất lớn. Việc tham gia cùng sân chơi, trong đó có dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách bình đẳng, trước hết là có cơ hội cho Việt Nam, song cũng có nhiều vấn đề đặt ra, cũng có thể nói đó là những thuận lợi và khó khăn, trước hết là đối với các doanh nghiệp và sau đó là hoạt động quản lý của Nhà nước. Trong khuôn khổ bài viết này, xin đề cập những nội dung cơ bản về các khía cạnh trên.
1. Những thuận lợi chính Khi cánh cửa WTO đã mở chào đón Việt Nam thì ngay lập tức, chúng ta cũng đứng trước năm thời cơ, vận hội mới: Một là, có điều kiện để xây dựng vị trí, tạo thế và lực mới trên thị trường quốc tế. Với việc gia nhập WTO, về nguyên tắc, Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng theo Quy chế tối huệ quốc (MFN) và Quy chế đối xử quốc gia (NT). Đó là cơ hội pháp lý để chúng ta tạo lập và tăng cường vị thế trên thương trường, từng bước xoá bỏ được sự phân biệt đối xử trong kinh doanh. Hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng trên thị trường thế giới; được hưởng ưu đãi của kết quả hơn 50 năm đàm phán hình thành, hoàn thiện và phát triển về tự do thương mại; xoá bỏ rào cản thương mại từ khi thành lập GATT đến nay; có cơ hội mở rộng, thâm nhập sâu vào các thị trường tiềm năng, hấp dẫn; tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng xuất, nhập khẩu, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngoại tệ và ngân sách... Việc giải quyết tranh chấp thương mại với các nước được xử lý trên cơ sở các quy định của WTO. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có thời cơ tránh được sức ép trong các tranh chấp thương mại quốc tế của các nước lớn.
Hai là, việc mở rộng thị trường thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh ổn định hơn với quan hệ thương mại được ràng buộc chặt chẽ, minh bạch và có khả năng dự báo trước. Do vậy, có điều kiện phát huy được thế mạnh của Việt Nam về dân số và lao động, tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, da giày, thuỷ hải sản... và do đó, cũng được hưởng những thành quả của hơn 50 năm đàm phán giảm thuế, bãi bỏ dần hàng rào phi thuế quan, những ảnh hưởng tích cực tới các ngành kinh tế trong nước, sản xuất sẽ được mở rộng, kinh tế có đà phát triển bền vững. Thí dụ: là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, Việt Nam sẽ có nhiều thị trường xuất khẩu hơn vì các hạn chế về số lượng sẽ được thuế hoá và bản thân mức thuế sẽ được cắt giảm dần theo hiệp định về nông nghiệp của WTO. Hoặc là việc quốc tế thừa nhận bãi bỏ Hiệp định Đa soi MFA. Xuất khẩu hàng dệt may cũng sẽ không bị hạn chế về số lượng khi tiếp cận thị trường các nước phát triển và không phải chịu mức thuế quá cao như hiện nay (40% khi xuất khẩu sang Mỹ) và quá nhiều rào cản thương mại khác (cả thuế lẫn phi thuế quan)...
Ba là, có điều kiện thúc đẩy cải cách kinh tế, tiếp thu khoa học công nghệ, kỹ năng quản lý, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo ra một đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh năng động, sáng tạo. Trở thành thành viên WTO là một bước tiến lớn và quan trọng trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam. Sự hội nhập này đòi hỏi nền kinh tế nước ta phải tăng cường cải cách để tăng năng lực cạnh tranh (hiện nay nước ta xếp thứ 65/86). Nâng cao năng lực cạnh tranh là tiền đề để ổn định xã hội và phát triển kinh tế vững chắc. Sự hội nhập tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận với những thành quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã, đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, trong đó có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp cận với công nghệ sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm quản lý hiện đại và cả tác phong công nghiệp...
Bốn là, sẽ có điều kiện hơn trong việc tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là nguồn vốn bổ sung hết sức quan trọng cho đầu tư phát triển của Việt Nam vì các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư xã hội, đóng góp khoảng 15% GDP, khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và 25% tổng thu ngân sách. Vốn FDI đã và đang trực tiếp đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thu hút hàng vạn lao động trực tiếp và gián tiếp vào làm việc trong các khu công nghiệp, các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài và các lĩnh vực khác. Khi là thành viên của WTO, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không còn e ngại thay đổi về chính sách của Chính phủ Việt Nam, môi trường pháp lí sẽ rõ ràng, minh bạch, các thể chế thương mại phải theo nguyên tắc WTO, tính dễ dự báo phải được thực hiện, nhờ vậy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm hơn khi tiến hành đầu tư. Đồng thời, theo WTO có Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) để điều chỉnh đầu tư nước ngoài. Theo đó, các nước thành viên WTO sẽ phải loại bỏ một số biện pháp hạn chế đầu tư trái với TRIMs, làm môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, sẽ thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài hơn.
Phát triển công nghệ và hệ thống thanh toán an toàn để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng trước thềm WTO
Năm là, đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, cũng giống như các ngành kinh tế khác, sẽ có cơ hội lớn mở mang hoạt động ở nước ngoài, có điều kiện thúc đẩy cải cách hệ thống ngân hàng một cách đa dạng hơn cả về loại hình sở hữu và phương thức hoạt động, sẽ có nhiều ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh ở Việt Nam hơn, trong đó có cả ngân hàng 100% vốn nước ngoài và do đó buộc các ngân hàng Việt Nam phải tiếp tục cơ cấu lại cả về tổ chức, về năng lực tài chính và hoạt động để có thể cạnh tranh trong điều kiện mới. Khi các ngân hàng nước ngoài mở rộng hoạt động ở Việt Nam thì các ngân hàng trong nước cũng sẽ có điều kiện tiếp thu khoa học công nghệ và phương thức quản lý ngân hàng hiện đại, mở rộng hoạt động dịch vụ, phát triển sản phẩm mới...
2. Những khó khăn và thách thức lớn Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn nêu trên là những thách thức và khó khăn không nhỏ mà Việt Nam phải đối mặt, bởi hiện tại Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, kém phát triển với hệ thống chính sách kinh tế - xã hội còn nhiều khiếm khuyết, năng lực cạnh tranh nền kinh tế còn yếu.
Trước hết là, sức cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ còn quá yếu, do chất lượng thấp, giá thành cao, chưa đáp ứng sự phát triển đa dạng về thị hiếu người tiêu dùng. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, đổi mới phương thức quản lý, đổi mới công nghệ... để sớm đưa ra thị trường sản phẩm, dịch vụ “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, nâng cao lợi thế so sánh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là sức ép lớn không chỉ với Việt Nam mà đối với các thành viên khác của WTO, nhất là các nước đang phát triển, thậm chí có nước còn phải phá bỏ một số ngành để tạo cơ hội phát triển cho ngành kinh tế - kỹ thuật khác có lợi thế so sánh hơn.
Tự do hoá thương mại, xoá bỏ phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, xoá bỏ sự bảo hộ của nhà nước, các nước thành viên của WTO chỉ thật sự có lợi khi các doanh nghiệp trong nước có sức cạnh tranh cao. Các Tổng công ty Nhà nước được thành lập theo Quyết định 90 và 91 của Thủ tướng Chính phủ có thể gọi là các doanh nghiệp vào loại lớn cũng chỉ chiếm 2% trong tổng số các DNNN. Trong các DNNN, chỉ có khoảng 30% kinh doanh có lãi, 30 - 40% hoà vốn, còn lại là lỗ. Với thực trạng kinh doanh yếu kém như vậy, nếu không nhanh chóng cơ cấu lại về tổ chức và hoạt động, tăng cường khả năng tích tụ và tập trung vốn, hoàn thiện cơ chế quản lý và định chế tài chính của doanh nghiệp... thì khó tránh khỏi sự đào thải của cạnh tranh, thị trường nhất là cạnh tranh quốc tế.
Hai là, môi trường pháp lý chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, và chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Để gia nhập WTO, Việt Nam phải phê chuẩn một Công ước quốc tế và xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung hơn 20 luật, pháp lệnh cho phù hợp với 16 Hiệp định chính của WTO. Hệ thống pháp luật Việt Nam tuy đã được khẩn trương xây dựng để đáp ứng yêu cầu mới, nhưng hiện còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và còn có cả biểu hiện của sự chủ quan duy ý chí, chưa thật sự quan tâm đến quy luật của thị trường và chuẩn mực quốc tế. Đây là thách thức không chỉ về việc khó thực hiện đầy đủ các cam kết khi gia nhập WTO, mà còn là việc kéo dài môi trường pháp lý bất ổn, khó khăn đối với các doanh nghiệp trong nước. Nhiều rào cản pháp lý hành chính còn đó, mà các doanh nghiệp không thể tự tháo gỡ và về khía cạnh nào đấy, chính chúng ta đã tự gây trở ngại trên bước đường phát triển của mình. Việc xây dựng hệ thống pháp luật cho phù hợp môi trường pháp lý WTO đâu phải chỉ đơn thuần vì hội nhập, vì WTO, mà thực chất là vì sự phát triển của chính nền kinh tế Việt Nam nói chung, của các doanh nghiệp trong nước nói riêng.
Ba là, thách thức về nhân lực và tổ chức quản lý, trong đó đáng lưu ý là nguồn nhân lực chưa được đào tạo và trang bị kiến thức cần thiết về chuyên môn và nghiệp vụ về quản lý để hội nhập kinh tế quốc tế. Cánh cửa WTO đã rộng mở, Việt Nam đã trở thành thành viên WTO, nghĩa là Việt Nam được đặt vào thị trường cạnh tranh khốc liệt của 150 nước thành viên; cùng với việc thực hiện các cam kết của các tổ chức đa phương và song phương như việc cắt giảm thuế CEPT/AFTA xuống mức thống nhất từ 0 đến 5%; các lộ trình cam kết theo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ cũng đến lúc phải thực hiện; thời kỳ ân hạn của nhiều dự án ODA cũng hết... Trong bối cảnh đó, về con người, nhất là đội ngũ doanh nhân ở nước ta như hiện nay thì đó thật sự là thách thức to lớn phải thật nỗ lực mới có thể vượt qua. Bên cạnh những hạn chế về nhân lực, hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam cũng là thách thức không nhỏ. Hiện nay, công tác quản lý còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là sự chồng chéo, sự phân cấp không rõ ràng về chức năng và nhiệm vụ dẫn đến khó khăn về tổ chức và chỉ đạo thực hiện.
Bốn là, các ngân hàng Việt Nam, trong đó các ngân hàng thương mại thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, ngoài việc phải cùng chung lưng đấu cật cùng các ngành, các cấp và nhất là các doanh nghiệp vượt qua những thách thức nêu trên, còn phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Đó là:
- Đối với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý tiền tệ và hệ thống ngân hàng: (1) Hệ thống pháp luật ngân hàng còn thiếu, chưa đồng bộ và khá nhiều vấn đề chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Hệ thống chính sách, pháp luật ngân hàng hiện nay còn có một số hạn chế đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các loại hình tổ chức tín dụng, giữa các nhóm ngân hàng và giữa ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Điều đó đặt ra thách thức phải sửa đổi, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng theo nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO. (2) Việc mở của thị trường tài chính nội địa sẽ làm tăng rủi ro thị trường do các tác động từ bên ngoài, từ thị trường tài chính khu vực và thế giới, trong khi đó, năng lực điều hành chính sách tiền tệ, cũng như năng lực giám sát hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước còn hạn chế.
- Đối với ngân hàng thương mại trong nước: nhỏ về quy mô (cả màng lưới tổ chức, cả vốn và tài sản), yếu kém về trình độ (cả chuyên môn nghiệp vụ), cả năng lực quản lý và kiểm soát, cả trong việc xây dựng pháp luật về tiền tệ và ngân hàng...), do đó sẽ rất khó khăn trong cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài khi Nhà nước ta mở rộng cửa để họ mở chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.
3. Giải pháp khắc phục Về những giải pháp chung Phải tận dụng triệt để thời cơ sẽ đẩy lùi được thách thức và tạo ra thời cơ, vận hội mới hơn, phải nhận thức rõ, đầy đủ về thời cơ và thách thức và phải thấy vai trò của doanh nghiệp, của Nhà nước là quyết định. Doanh nghiệp đương đầu với cạnh tranh cho nên hành trang hội nhập phải trang bị đầy đủ về trí tuệ, năng lực và tài chính. Nhà nước là người mở đường thì các quyết sách phải kịp thời, sáng suốt.
Giải pháp đối với ngành Ngân hàng Vấn đề đặt ra đối với ngành Ngân hàng nước ta là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng NHNN hiện nay thành một Ngân hàng Trung ương hiện đại. Đổi mới việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách quản lý ngoại hối và tỉ giá theo cơ chế thị trường, từng bước nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, phát triển công nghệ và hệ thống thanh toán, tăng cường nguồn nhân lực, đổi mới và tăng cường hệ thống giám sát ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống và nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.
Đối với các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác: Phải tiếp tục cơ cấu lại một cách toàn diện cả về tổ chức và hoạt động, trong đó chú trọng tăng cường năng lực tài chính, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng và làm sạch bảng cân đối tài khoản, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước, thực hiện các biện pháp tăng vốn tự có và làm tốt hơn hoạt động quản lý rủi ro, nhằm tăng quy mô về tài sản, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển trong điều kiện mới.