Dịch vụ ngân hàng: Không chậm trễ với cuộc đua nước rút
Cạnh tranh tăng lên trong lĩnh vực ngân hàng (NH) do xoá bỏ các rào cản về dịch vụ và trở ngại cung cấp dịch vụ đó sẽ buộc các ngân hàng thương mại phải phát triển các dịch vụ NH mới để thu hút khách hàng và duy trì khả năng cạnh tranh; giúp cho các dịch vụ NH phong phú hơn, chất lượng hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng. Một cuộc điều tra của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổng kết: 45% khách hàng được hỏi, kể cả doanh nghiệp (DN) và cá nhân đều trả lời sẽ chuyển sang vay vốn NH nước ngoài, chứ không vay vốn NH trong nước. 50% số người được hỏi sẽ lựa chọn dịch vụ NH nước ngoài thay thế. 50% còn lại lựa chọn NH nước ngoài để gửi tiền, đặc biệt là ngoại tệ. Như vậy, tự do hoá sẽ tác động mạnh tới các NH Việt Nam, vì họ sẽ mất đi một nửa hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, do hơn một nửa số khách hàng lựa chọn gửi tiền vào NH nước ngoài, nên các NH Việt Nam sẽ huy động vốn được ít hơn. Và như vậy, các NH Việt Nam sẽ phải đi vay trên thị trường tiền tệ với chi phí đắt hơn để có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho vay của mình. Bản điều tra cũng chỉ ra rằng, các DN lớn hơn lại là những người ít có khả năng nhất chuyển sang vay vốn NH nước ngoài khi tự do hoá, vì mất nhiều chi phí giao dịch. Nhưng họ có thể chuyển sang sử dụng các dịch vụ khác tại NH nước ngoài…. Lý do khách hàng lựa chọn NH nước ngoài là thủ tục đơn giản và quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ cũng như tính chuyên nghiệp cao. Sự tham gia của các NH nước ngoài vào thị trường dịch vụ NH được coi là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống dịch vụ NH trong tương lai. Với việc Việt Nam gia nhập WTO và thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, các NH nước ngoài sẽ có cơ hội được cung cấp nhiều loại hình dịch vụ NH mà hiện nay vẫn chỉ là sân chơi độc quyền của các NH trong nước, như phát hành thẻ nội địa tại thị trường trong nước, hay cung cấp các dịch vụ tín dụng không hạn chế cho các khách hàng trong nước. Với các thế mạnh về uy tín, mạng lưới toàn cầu, công nghệ cao và kinh nghiệm lâu năm, đây sẽ là lực lượng cạnh tranh rất mạnh mẽ trên thị trường dịch vụ NH của Việt Nam. Trong khi đó, các dịch vụ về quản lý tài sản và quản lý quỹ đầu tư chung sẽ mở rộng cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Đây là lĩnh vực mới, đòi hỏi NH Nhà nước phải đưa ra những quy định cụ thể hơn: như thế nào là quản lý đầu tư tập thể, quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ tín thác... Bên cạnh đó, các dịch vụ tư vấn trung gian và dịch vụ hỗ trợ về tài chính như tài chính cá nhân, đầu tư, sáp nhập và chuyển nhượng, các NH trong nước hầu như chưa làm được. Tuy nhiên, sự tham gia của các NH nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ công nghệ cao, đặc biệt là các dịch vụ thẻ điện tử, internet banking, tạo động lực buộc các NH thương mại trong nước phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Điều này cũng đồng thời đòi hỏi cần phát triển hệ thống dịch vụ NH đa dạng, đa tiện ích, định hướng theo nhu cầu của nền kinh tế trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các dịch vụ NH truyền thống và tiếp cận với các hoạt động của hệ thống NH hiện đại. Để các NH thương mại đứng vững khi cánh cửa dịch vụ đã mở rộng, trước hết cần nâng cao tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực khác nhằm phát triển hạ tầng cho dịch vụ tài chính - NH; tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, tạo điều kiện hình thành các trung tâm tài chính tiền tệ quy mô lớn. Hiện nay, tỷ trọng đầu tư từ ngân sách cho dịch vụ tài chính - NH của Việt Nam mới chiếm chưa đầy 1% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Với một nền kinh tế thị trường phát triển, thì đóng góp của dịch vụ tài chính NH, bảo hiểm phải chiếm tỷ trọng xứng đáng trong GDP. Chẳng hạn Indonesia, đóng góp của dịch vụ tài chính - NH chiếm 6 - 9% GDP, Malaysia là 11 - 12%, Phillipines là 4 - 5% và Thái Lan là 6 - 8%, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 2%. Bởi vậy, việc phát triển các dịch vụ NH trong bối cảnh mới - thực hiện cam kết của WTO, thực sự đang là cuộc chạy đua nước rút của các NH Việt Nam.