Tập đoàn kinh tế không phải là thuật ngữ mới. Tuy nhiên, sự ra đời của tập đoàn kinh tế ở Việt Nam lại khá mới, do trong những năm gần đây, Chính phủ mới cho phép thành lập một số tập đoàn kinh tế như: Than, Viễn thông, Dệt may, Đóng tàu, Bảo hiểm – Bảo Việt…
Quá trình hình thành tập đoàn kinh tế ở các nước cũng như ở Việt Nam thường từ việc cải tổ để nâng cao năng lực và phát triển, song, hầu hết chúng đã trải qua quá trình tái cơ cấu và đã có một mô hình tổ chức dưới dạng công ty mẹ, công ty con… và sau đó là tách công ty mẹ và công ty con để thành lập các công ty mới hoạt động chuyên ngành hoặc theo vùng kinh tế và một số công ty hoạt động ở những lĩnh vực khác như: làm dịch vụ, hỗ trợ (đào tạo, xây dựng và các dịch vụ khác).
![]() |
Các Quỹ tín dụng nhân dân đoàn kết xây dựng một hệ thống liên kết hoàn chỉnh nhằm tạo dựng một tập đoàn QTDND vững mạnh ở Việt Nam. |
Ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, trong đó có các ngân hàng thương mại kinh doanh tiền tệ - một lĩnh vực rất nhạy cảm và đầy rủi ro, do đó, việc ra đời tập đoàn trong lĩnh vực ngân hàng là vấn đề rất mới đối với Việt Nam. Hiện nay, các ngân hàng thương mại ở nước ta đã có quá trình xây dựng và phát triển trong khoảng 20 năm qua, nhưng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu.
Các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị đã tiến hành việc tái cơ cấu từ năm 1997, đến nay đã khá ổn định và đang trong quá trình phát triển; Các ngân hàng thương mại nhà nước bắt đầu thực hiện tái cơ cấu từ sau khi có Quyết định 149/2001/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xử lý nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại nhà nước, đó là việc xử lý nợ xấu và tăng vốn. Đây có thể coi là cải cách lần một của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Tiếp đó, còn phải hoàn thành việc xử lý nợ xấu, cơ cấu một bước về tổ chức của các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó đã có 2 ngân hàng đang thực hiện cổ phần hoá là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long; các ngân hàng thương mại nhà nước khác cũng đang có những bước đi để thực hiện cổ phần hoá trong thời gian tới và có thể coi đó là cuộc cải cách lần hai của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Xin nêu một vài ví dụ về quá trình hình thành tập đoàn kinh tế ở một số nước và Việt Nam dưới đây:
- Tập đoàn Viễn thông quốc tế: Nipponttelephone & Telegraph (NTT) của Nhật Bản thành lập tháng 8 năm 1952, tiến hành cải cách lần một thực hiện cổ phần hoá, trong đó Nhà nước nắm giữ 65% cổ phần; cải cách lần thứ hai - thành lập Tập đoàn Bưu chính - viễn thông vào tháng 7 năm 1999 trên cơ sở đã hình thành công ty mẹ và công ty con.
- Tập đoàn viễn thông Chinatelecom (CNT) của Trung Quốc thành lập năm 1999, cùng với quá trình cải tổ ngành Bưu chính Viễn thông, đó là cải cách lần một. Sau khi bị chia tách lần hai vào tháng 2 năm 2002, Tập đoàn đã có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh, trên cơ sở công ty mẹ và các công ty con để tiến hành cơ cấu lại tổ chức, tiến hành niêm yết chứng khoán, tập trung phát triển các dịch vụ mang tính cạnh tranh cao, thành lập các ban quản lý khu vực...
- Các Tập đoàn: Bưu chính - Viễn thông, Than, Dệt may, Đóng tàu, Bảo hiểm – Bảo Việt ở Việt Nam cũng đã có quá trình cải cách, thành lập và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ và công ty con một thời gian và sau đó thành lập tập đoàn.
Khái quát về mô hình tổ chức của một số loại hình tập đoàn kinh tế trên thế giới:
1) Công ty mẹ sở hữu tỉ lệ vốn theo quy định của nhà nước đủ khả năng điều tiết các công ty con.
(2) Các công ty con kinh doanh chuyên ngành.
(3) Các công ty khác hoạt động dịch vụ liên quan, bao gồm cả các dịch vụ khác.
(4) Đối với tập đoàn tài chính - ngân hàng, không chỉ đơn thuần kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ mà kinh doanh đa năng, bao gồm cả hoạt động ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, đầu tư và cả xây dựng… Điển hình là ở Tập đoàn HSBC Holdings, Deutsche Bank và đó là các tập đoàn lớn với hàng trăm công ty thành viên có sức cạnh tranh mạnh, vươn ra nhiều quốc gia.
2- Những vấn đề đặt ra để tiến tới thành lập các tập đoàn Tài chính – Ngân hàng ở Việt Nam
Có thể thấy con đường hình thành các tập đoàn tài chính - ngân hàng ở nước ta, đặc biệt là trên cơ sở xây dựng từ các ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay không hề dễ dàng, cần phải có một quá trình với một số vấn đề lớn được xử lý có hiệu quả sau đây:
Một là, các ngân hàng phải tiếp tục cơ cấu lại để đủ sức đứng vững trước yêu cầu mới là hội nhập và sau đó là đủ sức cạnh tranh để phát triển.
Hai là, các ngân hàng thương mại nhà nước phải hoàn thành việc cổ phần hoá, để có đủ năng lực về tài chính, có một mô hình tổ chức kinh doanh và phương thức quản lý mới chứ không thể để như hiện nay (có thể gọi là hoàn thành việc cải cách lần hai). Về tăng cường năng lực tài chính cần theo các phương hướng và biện pháp sau đây:
- Tăng quy mô vốn điều lệ, tài sản có đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng sinh lời của tài sản có; giảm tỷ trọng tài sản có rủi ro trong tổng tài sản có. Xử lý dứt điểm nợ tồn đọng và làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng thương mại nhà nước.
- Tăng vốn tự có của các ngân hàng thương mại từ nguồn lợi nhuận để lại; phát hành cổ phiếu, trái phiếu; sáp nhập; hợp nhất; mua lại. Xử lý các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và có khả năng gây rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng, bao gồm cả các biện pháp giải thể, phá sản. Bảo đảm duy trì mức vốn tự có của các ngân hàng thương mại phù hợp với quy mô tài sản có trên cơ sở thực hiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong trung hạn và 10% trong dài hạn;
- Từng bước cổ phần hoá các ngân hàng thương mại nhà nước theo nguyên tắc thận trọng, bảo đảm ổn định kinh tế – xã hội và an toàn hệ thống ngân hàng. Cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu, tham gia quản trị, điều hành ngân hàng thương mại Việt Nam.
- Đổi mới căn bản cơ chế quản lý đối với các ngân hàng thương mại nhà nước và các tổ chức tín dụng khác: các tổ chức tín dụng được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp lý minh bạch, công khai, bình đẳng.
Ba là, cơ cấu lại tổ chức để hình thành kiểu mô hình Công ty mẹ và công ty con. Trụ sở chính của các ngân hàng hiện tại sẽ làm nhiệm vụ của Công ty mẹ, các chi nhánh và đơn vị trực thuộc hiện nay sẽ thành các công ty con và có cả các công ty cháu. Phương thức quản lý giữa Công ty mẹ và các công ty con sẽ thực hiện như đối với các tập đoàn kinh tế hiện nay ở nước ta, nghĩa là Công ty mẹ sẽ làm nhiệm vụ kinh doanh và điều phối về tài chính, quản lý các hoạt động của công ty con bằng các quy định của mình mà không trực tiếp kinh doanh.
Bốn là, các ngân hàng phải tăng cường thể chế và khẩn trương cơ cấu lại hoạt động nghiệp vụ, để đa dạng hoá hoạt động, không chỉ đơn thuần là hoạt động ngân hàng mà phải phát triển các dịch vụ về ngân hàng, dịch vụ tài chính và các dịch vụ liên quan khác. Cụ thể là:
- Sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các ngân hàng thương mại từ Trung ương đến chi nhánh theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và thông lệ quốc tế.
- Mở rộng quan hệ đại lý, hợp tác kinh doanh, phát triển sản phẩm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ với các tổ chức tài chính nước ngoài. Xúc tiến hiện diện thương mại (chi nhánh, liên doanh, văn phòng đại diện và hình thức pháp nhân khác) của các ngân hàng thương mại Việt Nam tại các thị trường tài chính khu vực và quốc tế.
- Mở rộng quy mô hoạt động đi đôi với tăng cường năng lực tự kiểm tra, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn và hiệu quả kinh doanh. Phát triển các hệ thống quản lý của ngân hàng thương mại phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam.
Năm là, các ngân hàng chuẩn bị các điều kiện để vươn ra hoạt động ở nước ngoài. Muốn vậy, phải nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro và kiểm tra, kiểm soát.
Sáu là, các ngân hàng phải tiếp tục hiện đại hoá để đủ điều kiện quản lý theo mô hình mới, theo các chức năng và nhiệm vụ mới.
Bảy là, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và các hoạt động liên quan. Trong đó sớm ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi, xây dựng để thay thế Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng ban hành tháng 12 năm 1997, có hiệu lực tháng 10/1998; hình thành khuôn khổ pháp lý áp dụng đầy đủ hơn các chuẩn mực quốc tế về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư…
theo Tạp chí Ngân hàng