11.09.2006 09:08

100 triệu USD cho tín dụng giảm nghèo

Ngày 5/9/2006, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy và Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Klaus Rohland đã chính thức ký Hiệp định tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Thế giới trị giá 100 triệu USD cho Chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 5 (PRSC 5) nhằm tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khoản tín dụng PRSC 5 này sẽ hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách của Chính phủ Việt Nam trên cơ sở công nhận những tiến triển đạt được về cải cách chính sách trong năm vừa qua, trong các lĩnh vực chính như: chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường, phát triển đồng đều và bền vững, xây dựng quản trị nhà nước hiện đại.

Với khoản viện trợ này, WB đã nâng tổng số tiền viện trợ cho công cuộc giảm nghèo của Việt Nam lên 650 triệu USD.
 

Việt Nam đang nỗ lực tạo lập hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng hoàn chỉnh

Được biết, khoản tín dụng ưu đãi mà WB dành cho Việt Nam lần này có thời hạn vay 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn với lãi suất 0%.

Bên cạnh đó, dự kiến sẽ có 10 nhà tài trợ song phương và đa phương khác tham gia đồng tài trợ cho chương trình này với khoản tiền trị giá 100 triệu USD dưới hình thức cho vay ưu đãi hoặc viện trợ không hoàn lại. PRSC 5 cũng là chương trình cuối cùng trong chu trình PRSC đầu tiên mà WB và các nhà tài trợ dành cho Việt Nam kể từ năm 2002 đến nay.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thuý cho biết, Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo (CPRSC) khởi xướng ở Việt Nam năm 2002 gắn liền với những nội dung cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực thuộc 3 trụ cột chính là phát triển kinh tế - xã hội - quản trị nhà nước. Với sự nỗ lực của chính mình và được sự giúp đỡ hiệu quả của WB và các nhà tài trợ, Việt Nam được đánh giá là một tấm gương đầy khích lệ trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
 
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã giảm được 1/2 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc tế, tương đương với gần 20 triệu người đã thoát nghèo và về sớm hơn 10 năm so với mục tiêu mà Liên hợp quốc đề ra.
 
Theo VietNamNet
 

Các tin liên quan